Các nhà sản xuất cho rằng động thái này sẽ làm tăng chi phí sở hữu phương tiện. “An toàn là không thể thương lượng. Các cơ quan phụ trách đang hoàn thiện những quy định, sẽ mất một thời gian để thông báo chính thức các điều luật”, một nguồn tin từ Chính phủ cho biết.
Không có mốc thời gian nào được đưa ra kể từ lần đầu tiên Chính phủ công bố dự thảo hướng dẫn vào tháng 1, nhưng mục tiêu là thực hiện các quy định mới (tiêu chuẩn gồm 4 túi khí hành khách và 2 túi khí bên/rèm) vào ngày 1/10/2022.
Về việc tăng chi phí, chính phủ ước tính rằng việc trang bị thêm 4 túi khí sẽ không tốn quá 75 USD cho mỗi chiếc xe, nhưng JATO Dynamics ước tính rằng việc này có thể tăng ít nhất 231 USD. Về điều này, một viên chức Chính phủ cho biết: “Dự kiến chi phí gia tăng đã bị phóng đại. Bộ Giao thông đã tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất túi khí về chi phí và thời gian cần thiết để lắp đặt các bộ phận”.
“Các nhà sản xuất ô tô nên lắp thêm túi khí như một việc để bảo vệ an toàn cho người dùng thay vì do tác động từ Chính phủ. Chúng tôi phải tăng cường các quy định bởi vì các công ty không tự làm điều đó”, ông nói thêm.
Theo Bộ Giao thông, với số lượng túi khí mới cùng với dây an toàn sẽ cứu mạng được ít nhất 1/3 trong số 39.000 người chết trong các vụ tai nạn đường bộ vào năm 2020 do va chạm trực diện hoặc bên hông.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều mẫu xe bị cắt chỉ còn 1 tới 2 túi khí để giảm giá thành. Có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ đến việc yêu cầu các nhà sản xuất gia tăng số lượng túi khí tiêu chuẩn trên những chiếc xe khi số lượng ô tô lưu thông trên đường ngày càng lớn.