Khi xem các bộ phim hành động với những màn rượt đuổi và phá xe liên hoàn người ta không chỉ ấn tượng vì độ hoành tráng của bộ phim mà còn băn khoăn liệu những chiếc xe giá trị đó có thực sự bị phá hủy chỉ để thực hiện một bộ phim hay không.
Thực tế, các hãng phim sẽ không đi giá hủy những chiếc xe cổ hay những chiếc xe cực kỳ giá trị trong quá trình quay phim thực tế. Nếu ai là fan của loạt phim Fast and Furious thì không lạ lẫm gì với những màn rượt đuổi "siêu thực" ở trong phim, cùng với đó là hàng loạt chiếc xe giá trị bị phá hủy như chiếc Lykan Hypersport có giá lên tới hàng triệu USD từng bay qua các tòa nhà chọc trời tại Dubai.
Tuy nhiên, theo chia sẻ từ người trong đoàn làm phim, những chiếc xe giá trị không thực sự bị phá hủy. Thực chất, đúng là có nhiều chiếc xe cổ, có tính "biểu tượng" hay cực kỳ giá trị được sử dụng trong phim.
Tuy nhiên, chúng quá đắt và quý giá để bị phá hủy trong các cảnh quay. Vì vậy, đoàn làm phim sẽ sử dụng những chiếc xe đóng thế. Một số cảnh quay sẽ sử dụng những chiếc xe thật hoặc ban đầu là như thế, sau đó máy quay lia ra xa và những chiếc xe "đóng thế" sẽ vượt lên, hoàn thành cảnh quay "sứ mệnh" của mình.
Hầu hết những chiếc xe bị phá hủy trong quá trình quay phim là những chiếc xe cũ, có giá trị thấp được "tân trang" lại cho giống những chiếc xe giá trị để thực hiện những cảnh đó. Thậm chí, những chiếc xe sau khi bị phá hủy sẽ được tìm kiếm những bộ phận lành lặn còn lại để ghép với nhau thực hiện những cảnh quay khác.
Sau khi thực hiện những cảnh đóng thế, những chiếc xe này còn được phục hồi và bán đấu giá cho các bảo tàng phim hay cho những nhà sưu tập tư nhân.
Ngoài ra, với công nghệ đồ họa như hiện nay, chúng ta còn có thể "phá hủy" hơn 1.400 chiếc xe hơi trên màn ảnh một cách đơn giản.
Do đó, khi bắt gặp những cảnh xe hơi bị phá hủy trên phim, người xem không cần phải cảm thán quá nhiều về độ "chịu chơi" của nhà sản xuất, bởi đó có thể chỉ là những chiếc xe đóng thế hay đơn giản là kết quả của kỹ xảo điện ảnh được "phù phép" trong quá trình hậu kỳ.