Đại dịch gây nên tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời cũng thúc đẩy quá trình điện khí hóa của các hãng ô tô trên toàn thế giới. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến thị trường xe hơi toàn cầu năm 2021.
Tổng doanh số xe toàn cầu tăng 5%, lên khoảng 82,1 triệu chiếc (bao gồm cả xe du lịch, xe tải và xe thương mại hạng nhẹ), nhưng không phải tất cả các quốc gia đều có con số tăng trưởng dương trong năm 2021. So với trước đại dịch thì con số đó vẫn thấp hơn 89,6 triệu xe vào năm 2019.
Trung Quốc vẫn là thị trường hàng đầu với doanh số 26,3 triệu xe, tăng 4% so với năm 2020 và 6% so với năm 2019. Trung Quốc không bị ảnh hưởng nặng nề như các khu vực khác, cùng với việc chính quyền địa phương thúc đẩy mạnh mẽ giúp giá ô tô điện phải chăng hơn. Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc trở thành kẻ chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng toàn cầu trong 2 năm qua.
Đối với Mỹ, mặc dù có sự phục hồi nhỏ vào năm 2021 (tăng 4% so với năm 2020), nhưng con số 15 triệu xe bán ra vẫn kém xa so với con số 17 triệu xe vào năm 2019. Không giống như Trung Quốc và châu Âu, thị trường này vẫn chưa được hưởng lợi từ sự gia tăng doanh số bán xe điện. Năm 2021, xe thuần chạy điện chiếm 3% thị trường Mỹ, trong khi chúng chiếm 11% ở Trung Quốc và 10% tại châu Âu.
Sự bùng nổ xe điện vẫn không đủ để bù đắp những tác động tiêu cực trong vài năm qua. Đăng ký xe hạng nhẹ giảm 25% từ năm 2019 đến năm 2021, tương đương 4,04 triệu xe. Đây là một sự sụt giảm lớn. Trước đây, thị trường châu Âu có quy mô tương đương như thị trường Mỹ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi với khoảng cách tăng vọt từ 1,15 triệu xe vào năm 2019 lên 3,2 triệu xe vào năm ngoái.
Khó khăn tại các thị trường chính của Châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này. Ví dụ, Ý, trước đây nằm trong top 10 thị trường xe lớn nhất thế giới, năm ngoái đứng ở vị trí thứ 12 sau Nga. Năm 2019, Ý đứng thứ 9 trên thị trường với doanh số gần 2,1 triệu xe, xếp sau Brazil (2,68 triệu xe) và xếp sau Canada (1,93 triệu xe).
Câu chuyện tương tự tại Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Tây Ban Nha, tất cả đều có mức giảm từ 22% đến 31% từ năm 2019 đến năm 2021. Bất chấp những khó khăn, Đức, Pháp và Anh vẫn đứng trong top 10 thị trường lớn nhất thế giới, trong đó, Đức trở thành quốc gia bán chạy hàng đầu châu Âu ở vị trí thứ 5.
Sự xuất hiện của xe điện trên khắp châu Âu được thúc đẩy bởi nhiều ưu đãi của các Chính phủ, nhưng điều đó không đủ để chúng trở thành lựa chọn thay thế các phương tiện truyền thống. Chính các quy định chặt chẽ hơn về khí thải đã ảnh hưởng đến việc sản xuất xe điện, nhưng giá xe điện cao hơn có thể khiến nhiều người mua không đủ tiền mua xe điện mới trong điều kiện hiện tại.
Tình hình tốt hơn nhiều ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Chile và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, Hàn Quốc đã hoán đổi vị trí với Ý trong hai năm qua, leo từ vị trí thứ 12 lên thứ 9.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ vị trí thứ 25 trong năm 2019 lên vị trí thứ 18 vào năm ngoái, vượt qua Nam Phi, Hà Lan, Ả Rập Xê-út, Ba Lan, Bỉ và Thái Lan.