Người phụ nữ mà chúng tôi đang muốn nói đến là chị Thanh Tina (tên thật là Nguyễn Thị Thanh). Với biệt hiệu Tina, dân chơi xe phân khối lớn ở Hà thành giờ không ai là không biết đến người phụ nữ nhỏ nhắn, nhưng thích cưỡi xe "khủng" và đặc biệt thích rong ruổi khắp nơi bằng xe phân khối lớn.
Nhân ngày 8/3, Cartimes đã có cuộc trò chuyện với nữ biker đặc biệt nhất Việt Nam này.
Cartimes: Xin chào chị Thanh! Trước tiên gửi tới chị những lời chúc tốt đẹp nhất nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Chị có thể chia sẻ, là một phụ nữ nhưng cơ duyên nào khiến chị mê, thích và “chơi” xe phân khối lớn? Chị đi xe phân khối lớn từ khi nào?
Thanh Tina: Hồi trẻ mình rất là nghịch, rất là hiếu động. Khi khoảng 14 – 15 tuổi hay đạp xe đạp… bám theo ô tô đi hàng km. Hồi đó đã thích xe cộ, thích lượn ngoài đường rồi.
Sau này 20 đến 22 tuổi mới bắt đầu làm quen với xe máy côn tay. Chiếc xe đầu tiên là xe Simson của Đức, Suzuki FX, Minsk “khù khờ”, rồi Honda Win. Với nhiều phụ nữ đi xe tay côn là khó, nhưng với mình, mình có cảm giác thích chạy những chiếc xe côn đó rất an toàn.
Thế rồi vì cái cơ duyên mình thích đi du lịch, đi khám phá bụi. Sau này xã hội phát triển, Việt Nam bắt đầu xuất hiện xe phân khối lớn thì mình bắt đầu thích xe phân khối lớn. Trong những chuyến đi vùng sâu, vùng xa thì xe phân khối lớn cực kỳ an toàn, động cơ khoẻ… giúp mình tự tin hơn trên những cung đường khó.
Cartimes: Chiếc xe phân khối lớn đầu tiên chị chạy là xe gì, chị có kỉ niệm gì đáng nhớ với nó?
Thanh Tina: Vào khoảng năm 2010, mình chạy chiếc Honda CB400. Đấy là chiếc xe phân khối lớn đầu tiên mình sở hữu. Sau này chạy nhiều chiếc xe khác, trong đó, “yêu” nhất là chiếc Ducati Scrambler 800 phân khối.
Mình có một kỷ niệm rất là đáng nhớ với chiếc xe phân khối lớn đầu tiên. Đó là vào Tết năm 2011, lúc đó chưa có nhiều bạn chơi phân khối lớn để rủ rê. Ngày Tết ở Hà Nội vắng vẻ, ở nhà cũng buồn thế là mình ngẫu hứng quyết định một mình lên Sapa với chiếc CB400.
Trên đường đi, có một đoạn bị lở đất rất là trơn, mình bị đổ xe. CB400 thì rất là nặng, khoảng 194 kg trọng lượng khô (chưa đổ xăng) nên mình không tài nào mà dựng được chiếc xe dậy. Xem trên Youtube, xem trên mạng, thấy họ hướng dẫn rất nhiều cách để dựng xe. Nào là bằng lưng, dựng xe ở phía trước nhưng thực tế thì khác nhiều. Hôm đó lại là mùng 2 Tết, ở ngoài đường chẳng có ai để nhờ, thế là loay hoay cả tiếng đồng hồ chỉ để dựng xe… mà cuối cùng vẫn không lên nổi. Thế là mình phải đứng “chết rét” ở đấy thêm hơn 1 tiếng đồng hồ nữa. May có 2 bác dân tộc đi xe Win qua, cả mình và 2 bác ấy mới dựng được con xe đứng lên.
Đấy vừa là kỉ niệm, vừa là kinh nghiệm “xương máu” đối với mình khi đi xe phân khối lớn. Sau đó mình bán chiếc CB400 đi, mua những chiếc xe – cũng phân khối lớn nhưng nhẹ hơn. Để nếu có đổ, có nghiêng thì mình có thể dễ dàng “đỡ” được. Qua “sự cố” đáng nhớ ấy, mình thấy, đối với nữ, lại là nữ lớn tuổi như mình thì khi thực hiện các chuyến đi với xe phân khối lớn không nên đi một mình, kiểu gì cũng phải có bạn đồng hành để vừa là vui, vừa hỗ trợ nhau.
Cartimes: Xe phân khối lớn thường có tốc độ cao và trọng lượng rất nặng, một phụ nữ có cách nào để điều khiển những con “chiến mã” ấy?
Thanh Tina: Thực ra để mà ngay lập tức “làm chủ” được những chiếc xe thì rất là khó. Tuy nhiên, trước khi quyết định mua một chiếc xe phân khối lớn, như mình là nữ, phải đảm bảo được 3 cái tiêu chí quan trọng: Một là, không được quá cao, khi ngồi lên xe, chân mình phải chạm đất được nửa bàn chân; hai là không được quá nặng; và ba là phân khối không quá lớn, vì xe phân khối cao từ 1000cc trở lên gia tốc rất mạnh, sức nữ của mình không “nài” được. Nhiều người mua xe phân khối cao quá, lại phải bán xe đi để mua một chiếc mới phù hợp với vóc dáng và sức khoẻ của mình.
Cartimes: Điều gì là khó khăn nhất đối với một “bóng hồng” chạy xe phân khối lớn?
Thanh Tina: Có rất nhiều khó khăn đối với một phụ nữ chạy xe phân khối lớn. Đầu tiên là nói về xe, phụ nữ có ít sự lựa chọn hơn vì đặc điểm phụ nữ Việt Nam mình vẫn là thấp, bé, chân tay yếu. Thế giới họ thống kê, tổng số người chạy xe phân khối lớn có tới 95% nam giới, chỉ có 5% còn lại là nữ. Thế nên với vóc dáng người châu Á thì nữ lại càng ít hơn, với Việt Nam còn ít hơn nữa.
Ngoài khó khăn về chạy xe, chọn xe, còn có những khó khăn về định kiến đối với nữ chạy xe phân khối lớn, rào cản từ phía gia đình. Mọi người thường khó chấp nhận việc con gái của mình chạy xe phân khối lớn, họ nghĩ là nguy hiểm. Những người phụ nữ lập gia đình rồi thì chồng con đôi khi cũng không ủng hộ. Đấy là những rào cản để phụ nữ “chạm” tới cái đích, tới niềm đam mê chơi xe phân khối lớn.
Cartimes: Như chị vừa chia sẻ, phụ nữ đi xe phân khối lớn vẫn còn là điều lạ ở Việt Nam. Khi chị đi xe phân khối lớn, bạn bè, gia đình chị phản ứng như thế nào?
Thanh Tina: Bản thân mình từ những ngày còn trẻ, cách đây cả 30 năm rồi, lúc ý còn chưa có xe phân khối lớn, mình chạy những chiếc xe côn tay thôi đã cảm thấy mọi người nhìn mình “rất khác”. Xã hội khó công nhận, gia đình còn “nặng nề” nữa. Sau này có chồng, có con, thậm chí mình thuyết phục được chồng mình thông cảm, nhưng bạn của chồng mình lại ý kiến ra, ý kiến vào, “không hiểu vợ mày là cái dạng gì mà lại “ngựa vía” như thế”. Những “điều tiếng” như thế đến tai, mình cũng rất là buồn. Song, buồn là một chuyện, quan trọng mình phải vượt qua nó. Ví dụ, mình mê đi, mê chạy xe nhưng không để ảnh hưởng đến việc chăm sóc con cái, không lơ là trách nhiệm với gia đình.
Mới đầu, để có cái nhìn thiện cảm của mọi người thì chỉ chạy những cung ngắn, sáng đi chiều về. Cung dài hơn cũng chỉ 1 - 2 ngày. Dần dần mình có thời gian, nhất là cách đây mình hoàn toàn rời bỏ công việc kinh doanh của mình, trao lại cho các con đảm nhiệm thì mình mới có cơ hội để tận hưởng những thứ mà mình mong muốn: được đi xa, đi dài, được khám phá thế giới, được nhìn chỗ này, chỗ kia mà bình thường những người phụ nữ - vốn bị giới hạn trong việc chăm sóc gia đình, nội trợ… không có được.
Cartimes: Cảm giác của chị thế nào khi chạy xe phân khối lớn trên đường?
Thanh Tina: Cái thú vui chạy xe phân khối lớn thực ra như mình là nữ thì phải hơi “điên điên” một tí. Nó dành cho những người nữ cá tính, bạo gan. Ngay như cánh đàn ông muốn chạy phân khối lớn cũng phải có một “thần kinh thép”.
Cái cảm giác chạy xe trên đường nó thú lắm nhưng cảm xúc cũng rất phức tạp. Như chạy xe ở nước ngoài, mình chỉ cần chạy đúng luật thì đã rất là an toàn rồi. Nhưng chạy xe ở Việt Nam nó có vô vàn những yếu tố nguy hiểm. Ví dụ ở những con đường cho phép chạy tốc độ cao, nhưng mà đột ngột có một người đi xe đạp rẽ ngang một cái mà không có một hành động nào, tín hiệu nào báo trước để mình biết là người ta định rẽ. Hoặc đột ngột có một con trâu, con chó chạy ngang qua, hay là những “ổ trâu”, “ổ gà” khi mình chạy đêm không thể quan sát được khiến mình “giật mình” và gặp nguy hiểm. Thực sự chạy xe ở Việt Nam đòi hỏi phải có một thần kinh “thép”.
Với xe phân khối lớn, đôi khi mình “ngẫu hứng” chạy ở tốc độ cao. Thông thường thì vẫn tuân thủ tốc độ. Nhưng có lúc đường đẹp qua lại kéo ga vọt lên. Như mình là nữ, thi thoảng gặp một chặng cao tốc, đường vắng, vẫn hưng phấn phóng quá tốc độ. Đó cũng là một “thứ” nguy hiểm khi chạy phân khối lớn.
Chạy xe phân khối lớn thực sự là cần “giờ bay”. Mọi người thường nói, muốn đi tốt thì cần nhiều giờ chạy, va vấp với nhiều tình huống, rút ra được nhiều kinh nghiệm. Những điều đó thực sự cần. Tuy nhiên, dù có kinh nghiệm chạy xe, có phán đoán tốt, có nhiều “giờ bay”, xử lý tình huống rất nhanh… thì tất cả vẫn là “không nói trước được điều gì”. Bởi vì vẫn có những tình huống không ai ngờ tới. Tốt nhất là nên chạy theo khả năng, theo đúng tầm kiểm soát của mình.
Cartimes: Đã cưỡi xe phân khối lớn thường là thích trải nghiệm các cung đường. Vậy thì chuyến đi và cung đường nào khiến chị cảm xúc nhất?
Thanh Tina: Mình nhớ mãi chuyến xuyên Mỹ, chạy phân khối lớn từ bờ Đông sang bờ Tây, khoảng 10.000km hết đúng 1 tháng. Mình chạy quen ở đường Việt Nam rồi, sang đường nước ngoài rất là ít kinh nghiệm chạy mô tô. Giả dụ, các đường nước ngoài thường có đường cứu hộ. Đây là đường dành cho những chiếc xe gặp sự cố bắt buộc phải dừng lại. Không như ở Việt Nam thích dừng thì dừng. Ở bên đó, nếu muốn dừng lại hút một điếu thuốc cũng phải dừng đúng nơi dành cho việc hút thuốc.
Một ngày trong chuyến đi đó, mình cảm thấy mệt quá nên dừng lại ở đường cứu hộ. Người bạn nước ngoài chạy cùng nói, đường này không được dừng, mình đã rất ngạc nhiên cho rằng, đây là đường cứu hộ thì có thể dừng thoải mái mà. Nghĩ thế, nhưng mình vẫn nghe theo bạn lên xe đi. Lúc đi từ đường cứu hộ ra mình đã quan sát trước, sau thấy không có xe mới nhập vào làn chính một cách từ từ. Nhưng bất ngờ một chiếc xe tải nhiều bánh, dài như một đoàn tầu bất ngờ phóng qua. Chiếc xe mà lúc quan sát bị khuất dưới dốc mình không nhìn thấy. Tài xế xe tải đánh lái, và vẫn kịp đưa tay ra dấu chửi. Người bạn mình phóng xe lên, nắm lấy cổ áo mình, giật mạnh, nói “mày đi cái kiểu gì thế? Mày bị điên à?”. Mình rất ngạc nhiên không hiểu vì sao anh ta lại tức giận đến thế. Hỏi ra mới biết, khi mình đang ở làn cứu hộ, mình phải đi xe đạt gần đến tốc độ của làn chính thì mới được nhập làn. Nếu không sẽ cực kỳ nguy hiểm vì những xe ở làn chính đi với tốc độ rất cao. Cái chết hôm đó với mình chỉ cách gang tấc.
Đối với mình, cung đường 66 ở Mỹ vẫn là một trong những cung đường đẹp nhất mà mình từng trải qua. Bởi, tất cả những biker trên thế giới đều ước mong một lần chạy trên con đường 66, con đường lịch sử của nước Mỹ và cũng là con đường mà biker muốn chạy tốc độ tối đa bao nhiêu km/h cũng được.
Đường 66, trước kia là đường huyết mạch nối các bang của nước Mỹ. Sau này Mỹ xây dựng nhiều đường cao tốc mới nên các phương tiện vận tải không còn đi vào đó nữa. Và dĩ nhiên, đấy là cơ hội để các biker một mình một đường và muốn phóng tốc độ bao nhiêu thì phóng. Có thời điểm đi hàng trăm km không gặp một bóng người.
Đường 66 đẹp nhưng buồn. Vì trên con đường dài hun hút hàng trăm dặm này, chỉ có một mình mình chạy, nó như thể không có sự sống, 2 bên là những hoang mạc trải dài, không nhà cửa, không điểm ăn nghỉ.
Cartimes: Chạy phân khối lớn, chị có mê tốc độ không?
Thanh Tina: Mình nói luôn mình không phải là người mê tốc độ. Lúc còn trẻ, có thời điểm cuồng một tí, điên một tí. Nó là điều hiển nhiên vì ai cũng có những quãng tuổi trẻ bốc đồng. Lúc đó thích tốc độ. Nhưng sau này lớn tuổi rồi thì cái đam mê của mình lại là đi dài, đi lâu, đi khám phá những cung đường mới mẻ.
Chẳng hạn như mình mê đi Tây bắc. Cánh đàn ông thích tốc độ, thích phóng càng nhanh càng tốt. Mình thì ngược lại, thích chạy rong ruổi, thích “chui rúc” vào các bản làng nói chuyện, gặp gỡ với người dân bản địa, ăn những nón ăn kỳ lạ, những thứ bình thường mình không được ăn.
Cartimes: Khi chạy phân khối lớn, phụ nữ có bị ảnh hưởng gì về gu ăn mặc và thời trang không?
Thanh Tina: Nhắc đến phân khối lớn là nhắc đến những trang phục bảo hộ. Cơ bản những bộ quần áo này phải có tác dụng bảo vệ những vị trí quan trọng của cơ thể như đầu, cổ, vai, đầu gối, sống lưng… Nhưng với phụ nữ, ngoài mua một bộ trang phục để bảo vệ khi chạy phân khối lớn còn muốn làm đẹp cho mình. Mình thích những bộ gọn, bó lấy cơ thể để trông sexy hơn.
Những bộ giáp trông thì chẳng ai bảo thời trang, vì nó kín từ đầu đến chân để bảo vệ cơ thể. Nhưng phụ nữ mặc vào vẫn đẹp, và sở dĩ mình nói vẫn có thể sexy là do dáng thiết kế.
Như mũ bảo hiểm chẳng hạn, nam giới thích “ngầu”. Còn phụ nữ lại thích những chiếc mũ trông màu sắc hay nữ tính một chút.
Cartimes: Đến lúc nào chị dừng lại và không chạy xe phân khối lớn nữa?
Thanh Tina: Đây là câu hỏi mà nhiều lần mình cũng tự hỏi. Mình năm nay 55 tuổi rồi, cũng đưa ra câu hỏi đến thời điểm nào dừng chạy xe. Vì những năm gần đây thấy rõ ràng là khi chạy xe mắt mình cũng đã kém hơn, xử lý tình huống trên đường cũng không được nhanh nhạy như trước nữa.
Cách đây 1 năm mình cũng đã từng nói với những người bạn về ý định “dừng cuộc chơi”, dùng từ hơi fun một tí là “gác kiếm”. Nhưng làm cách nào để dừng được thì rất là khó vì dường như chạy xe trở thành thói quen. Cái thú vui của mình là đi mà tự nhiên dừng đi thì có phải là mất vui không.
Tự mình nghĩ: “Okie, cứ chạy đi, chạy đến khi nào gặp một sự cố bất cứ là nặng hay nhẹ, mình sẽ lấy đó làm cái cớ để dừng “chơi”.
Thú vị là cách đây khoảng 2 tháng mình bị ngã xe, trên đường chạy vào Đà Nẵng. Khi đó đường quốc lộ 1 rất đông xe tải, đang định vượt xe tải thì chiếc xe bất ngờ phanh gấp để tránh một chiếc xe bò, tay lái của mình va vào góc xe tải, ngã xuống, may là nhẹ, đầu đã nghĩ đây phải chăng là cái cớ để mình dừng lại như đã nói.
Chạy khoảng 200 cây nữa, lúc nghỉ mới chợt nghĩ: “Tại sao mình lại phải dừng chơi nhỉ. Nó giống như một thú vui bị ai lấy mất. Vẫn vui, tại sao mình phải bỏ?”.