Các chất lỏng trên xe ô tô được lưu thông từ nơi này đến nơi khác để thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống động cơ hoặc ở bộ phận khác. Vì thế, hệ thống đường ống rất dễ bị bào mòn và rách... Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng biết nguyên nhân khiến các đường ống trên xe ô tô bị rò rỉ.
Nguyên nhân thứ nhất ống dẫn chất lỏng bị rò rỉ chủ yếu xuất phát từ nhiệt. Đường ống trong động cơ thường có nhiệt độ cao cả bên trong và ngoài. Ví dụ, đường ống làm mát phải xử lý làm giảm nhiệt độ cao từ động cơ cũng như nhiệt độ bên trong khiến chúng khá dễ bị hỏng hóc.
Trong khi cao su đàn hồi (vật liệu chủ yếu của ống) ngày càng hết hạn sử dụng thì việc tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể khiến ống cao su bị khô và giòn. Một khi cao su giòn sẽ không thể hoạt động với áp suất và nhiệt độ cao, dẫn đến rách, hỏng hoàn toàn hoặc ít nhất là bị thủng. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rò rỉ đường ống trong xe.
Thứ 2, đường ống bị rò là do tiếp xúc với vật nhọn hoặc rất nóng. Khi bị thiết kế sai kích cỡ hoặc đặt sai vị trí, ống dẫn có khả năng cao tiếp xúc với các bộ phận nhọn hoặc nhiệt độ cao của động cơ. Các bộ phận này sẽ gây ra các vết rách, thủng và làm chảy nhựa của ống cao su.
Thứ 3, đường ống bị rò có thể do áp lực cộng với nhiệt độ gây ra rò rỉ đường ống. Hầu hết các ống dẫn chất lỏng trong xe đều mang một áp suất khá cao, như phanh thủy lực, hệ thống làm mát động cơ và dầu dẫn động cơ. Các hệ thống này sẽ hoạt động nhờ áp suất đẩy của động cơ khiến chúng có thể chảy từ bộ phận này tới bộ phận khác. Và khi áp suất trong ống cao, cộng với nhiệt độ nóng sẽ gây ra những vết rò rỉ không mong muốn.
Đường ống dẫn chất lỏng bị rò rỉ có thể không phải do ống bị hỏng. Bởi nếu ống bị rò rỉ tại điểm cuối thì vấn đề có thể do chiếc kẹp cố định ở hai đầu đường ống khiến chất lỏng không bị chảy ra ngoài. Khi đó lái xe chỉ cần kẹp chặt lại hai đầu ống nếu không muốn ống có vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra.