Dầu nhớt có tác dụng gì?
Không phải ai cũng biết rằng dầu nhớt có những vai trò cực kỳ quan trọng.
Bôi trơn: Dầu nhớt giúp cho piston di chuyển lên xuống một cách nhẹ nhàng, êm ái trong lòng xi-lanh;
Làm sạch: Dầu nhớt giúp làm sạch các bộ phận bên trong động cơ;
Làm mát: Dầu nhớt giúp phân tán lượng nhiệt sinh ra do ma sát và quá trình đốt nhiên liệu;
Bảo vệ: Màng dầu ngăn cản các bề mặt kim loại tiếp xúc trực tiếp với nhau, chống ăn mòn;
Làm kín: Khi động cơ vận hành, dầu nhớt đóng vai trò như một lớp đệm mềm bịt kín khe hở giữa piston và xi-lanh để áp suất sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu không bị thất thoát.
Chống gỉ: Một lớp dầu mỏng sẽ bao bọc bề mặt của các chi tiết kim loại trong động cơ, hạn chế sự tiếp xúc của với không khí, tránh được hiện tượng oxy hóa, dẫn đến han gỉ.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ dầu nhớt động cơ
Sự oxi hóa
Khi động cơ hoạt động, dầu nhớt sẽ tiếp xúc với oxi trong không khí và tạo ra các phản ứng hoá học, dẫn đến sự biến đổi các tính chất vốn có ban đầu. Đây được gọi là quá trình oxi hóa và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm giảm các tiêu chí chất lượng của dầu nhờn.
Khi quá trình oxi hóa xảy ra ở mức độ đủ sâu sẽ tạo ra các cặn bẩn trong dầu. Chúng kết tụ trên đường ống dẫn, ngăn chặn sự luân chuyển và khả năng bôi trơn của dầu nhớt, từ đó gây ra các hư hại cho động cơ.
Dầu nhớt bị nhiễm bẩn do các tạp chất
Qua một thời gian sử dụng, dầu nhớt sẽ bị nhiễm bẩn bởi các tạp chất tích tụ trong quá trình xe vận hành. Những tạp chất này có thể là các hạt kim loại hình thành do sự ma sát giữa các chi tiết bên trong động cơ, hay cát bụi trong không khí, đây được xem là một trong những nguyên nhân chính làm suy giảm các tính năng ban đầu của dầu nhớt.
Đối với các động cơ xe thường xuyên hoạt động trong môi trường nhiều bụi bẩn thì hàm lượng tạp chất này càng lớn, do đó cần lưu ý chọn loại dầu phù hợp và tiến hành thay dầu thường xuyên để đảm bảo cho động cơ tránh khỏi những hư hại lớn.
Sự phân hủy do nhiệt độ
Sự phân hủy nhiệt sẽ xảy ra khi dầu nhớt tiếp xúc với các phân tử nhiệt độ cao trong quá trình động cơ hoạt động, đồng thời còn chịu sự đốt nóng cục bộ với nhiệt lượng rất lớn.
Tuy nhiên, quá trình dầu nhớt bị phân hủy do nhiệt độ thường phụ thuộc vào thành phần hydrocarbon có trong dầu. Các hydrocarbon có cấu trúc càng lớn, càng phức tạp thì càng dễ bị phân hủy hơn dưới tác dụng của nhiệt độ cao.
Dầu nhớt bị loãng do nhiên liệu
Dầu nhớt không chỉ có nhiệm vụ bôi trơn, tản nhiệt mà còn có tác dụng làm kín các khe hở, không cho các khí cháy từ xi-lanh lọt xuống các-te (hộp trục khuỷu) bằng một lớp màng dầu mỏng ở thành xi-lanh. Khi nhiên liệu được đưa vào động cơ sẽ tạo thành các hạt không khí, hơi hoặc các giọt dạng sương mù, chúng đọng trên thành xi-lanh và có thể lẫn vào dầu nhờn. Sự trộn lẫn này là một trong những nguyên nhân làm giảm độ nhớt.