Ngoài số tiền phải trả khi mua xe tại hãng, phần lớn chi phí phải trả là phí trước bạ. Phí trước bạ là khoản lệ phí mà người sở hữu xe phải kê khai và nộp cho cơ quan thuế trước khi đưa xe vào sử dụng.
Riêng tại Hà Nội có phí trước bạ cao nhất cả nước với 12%, ngoài ra có tới 7 tỉnh thành khác cũng áp dụng mức lệ phí cao nhất này như Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ... Riêng Hà Tĩnh có phí trước bạ là 11%.
Những thành phố thuộc trung ương khác như TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng chỉ áp dụng mức lệ phí trước bạ 10% như các tỉnh thành còn lại trên cả nước.
Từ ngày 6/10/2019, Tp Hồ Chí Minh bắt đầu áp dụng mức thu mới mới với lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 20 triệu đồng. Trước đó, phí cấp mới biển số với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống tại TP.HCM là 11 triệu đồng.
Các khu vực khác vẫn giữ nguyên bao gồm Hà Nội áp dụng tiền biển số là 20 triệu đồng. Khu vực 2 gồm các TP trực thuộc trung ương (trừ TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), các TP trực thuộc tỉnh và các thị xã có tiền biển số là 1 triêu đồng.Khu vực 3 còn lại áp dụng mức 200 ngàn đồng.
Trước ngày 10/4/2019, phí trước bạ của xe bán tải là 2% trên toàn quốc, còn lệ phí trước bạ với ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống là 10-15%, tùy từng địa phương. Sau ngày 10/4, lệ phí trước bạ của xe bán tải sẽ tăng gấp 3 lần, từ 2% lên 6-9%, đẩy tổng chi phí lăn bánh xe bán tải lên hàng chục triệu đồng.
Điều này do mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu đối với dòng xe bán tải thay đổi, bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 09 chỗ trở xuống. Từ lần nộp lệ phí trước bạ thứ 2 trở đi, mức thu sẽ là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Những chi phí còn lại cấu thành nên giá lăn bánh ô tô là phí đường bộ (hơn 1,5 triệu đồng), phí kiểm định (340 ngàn đồng). Đây là những loại phí áp dụng chung trên toàn quốc khi đăng ký xe.
Về bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ sở hữu xe tham gia giao thông đều bắt buộc phải tham gia theo quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BTC và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tùy từng loại xe sẽ có các mức chi phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự khác nhau.
Ví dụ như xe ô tô 4 chỗ sẽ có mức phí 480 ngàn đồng trong khi đó với xe từ 7 đến 11 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải là 873 ngàn đồng, với xe kinh doanh vận tải là 1,264 triệu đồng…
Ngoài ra bảo hiểm vật chất ô tô cũng là một chi phí không bắt buộc nhưng rất cần trong quá trình sử dụng xe. Việc mua bảo hiểm vật chất xe giúp ích trong các trường hợp không may xảy ra va chạm gây hư hỏng hay bị mất cắp, đơn vị bảo bảo hiểm sẽ có trách nhiệm những chi phí khắc phục thiệt hại giúp người sở hữu xe yên tâm hơn trong việc sử dụng xe và tránh những chi phí phát sinh lớn.
Cuối cùng, bảo hiểm vật chất ô tô sẽ chi trả cho những khách hàng sở hữu xe bị tai nạn bất ngờ ngoài tầm kiểm soát như: đâm, lật, đổ, chìm, cháy nổ, bị các vật thể rơi gây hư hỏng… Ngoài ra những vấn đề liên quan tới thiên nhiên như: bão, lũ lụt, sét đánh, động đất…
Và trong trường hợp mất cắp bộ phận hoặc toàn bộ xe. Có thể thấy tuy không bắt buộc nhưng bảo hiểm vật chất là rất cần thiết cho chiếc xe và chủ sở hữu vì không ai có thể biết trước được điều gì khi tham gia giao thông và những khoản chi phí đi kèm sau khi xảy ra tai nạn.