Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng hơn mười kilomet về phía Bắc, Nam Ô là một làng chài nhỏ nằm giữa vịnh Đà Nẵng với lịch sử hàng trăm năm hình thành. Làng cổ Nam Ô gắn liền với tên tuổi của Huyền Trân Công Chúa khi vua Chế Mân của vương quốc Chăm Pa dâng hai Châu Ô và Châu Lý cho nước Đại Việt vào năm 1903 như là của hồi môn để cưới được nàng. Làng chài nhỏ bé này nằm ở cửa ô phía nam của Đại Việt từ đó nên được gọi là Nam Ô.
Là một làng chài nổi tiếng ở Xứ Đàng Trong xưa, Nam Ô mang trên mình khá nhiều những di tích gắn liền với những huyền sử của văn hóa Chăm lẫn Việt. Du khách đến với làng Nam Ô có thể thăm quan các di tích mang nét văn hóa, kiến trúc của người Chăm như Đình làng Xuân Dương, giếng cổ Nam Ô, hay cụm ba di tích Lăng Ông thờ cá Ông Voi, miếu Âm Linh thờ các vong hồn chết trên biển và Miếu thờ Bà Liễu Hạnh của người Việt. Nam Ô còn được biết đến với với những nghề dân gian truyền thống gắn liền với đời sống của các cư dân ven biển như đánh bắt thủy hải sản, nghề làm nước mắm.
Chính bởi mang trên mình lịch sử hình thành mang nhiều màu sắc dân gian, những người dân làng chài Nam Ô cho đến nay vẫn giữ được cho mình nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc trưng như Lễ Cầu Ngư, thường được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch, gắn liền với hội đua thuyền trên sông Cu Đê, Lễ Vía Bà Liễu Hạnh vào ngày 20/2 âm lịch…
Đặc biệt, du khách khi đến với Nam Ô mùa này còn được tham quan, khám phá ghềnh Nam Ô, là một ghềnh đá hoang sơ nhô ra biển rất đẹp. Vào những ngày đầu năm cho đến đầu mùa hè, khi tiết trời dần trở nên ấm áp, không còn sóng lớn vì những đợt áp thấp đổ bộ vào miền Trung thì bãi đá Nam Ô phủ trên mình một bộ áo rêu xanh mướt. Đây là thời điềm ghềnh Nam Ô đẹp nhất năm, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, tắm biển, cũng như cắm trại bên bờ biển.
Chuyện kể rằng, xưa kia có vợ chồng ông bà thợ trời được Ngọc Hoàng Thượng Đế sai đào biển đắp non. Chồng tên Ba Viên, vợ tên Bà Nà. Hai người cần cù gánh đá từ biển phía đông về núi phía tây. Ngày qua ngày, núi càng cao, càng lớn.
Một hôm, bà đã gánh đến chân núi mà chưa thấy bóng dáng ông đâu, bèn để đôi sọt đầy đất đá chống đòn gánh đứng chờ. Bỗng nghe từ biển vang lên tiếng ầm ầm như động đất, bà bỏ quang gánh vội chạy về phía biển xem sao. Đến nơi thấy ông cầm chiếc đòn gánh gãy, miệng mếu như khóc, bà hỏi vì sao? Ông bảo: Thấy núi bà đắp đã cao mà núi tôi còn thấp, tôi bèn tăng lượng đá lên gấp đôi nên đòn gánh gãy...
Chuyện đắp non bất thành, hai vợ chồng bị Thượng Đế triệu hồi về thiên đình. Hai đầu gánh đá đổ giữa đường, một đầu thành làng Nam Ô với núi đá Xuân Dương và ghềnh Nam Ô (gành Nam Ô), đầu kia thành rạn Cả và rạn Con.
Đến với Nam Ô, ngoài những món hải sản tươi sống phổ biến, thực khách sẽ được biết đến những món ăn đặc sắc như mực gành, mứt rong biển, cháo chờ… và đặc biệt nhất, nổi tiếng nhất chính là món gỏi cá Nam Ô, đặc sản mà du khách nào cũng phải thưởng thức.
Ngoài ra, các bạn trẻ thích phiêu lưu, khám phá có thể từ Nam Ô ngược dòng sông Cu Đê để thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Hòa Sơn, Hòa Bắc… Chắc chắn sẽ để lại trong các bạn những ấn tượng không thể nào quên.