Phanh xe ô tô là bộ phận phải chịu rất nhiều áp lực bởi ma sát cường độ cao và nhiệt lớn. Có rất nhiều các trục trặc có thể phát sinh ở hệ thống phanh mà chủ xe không thể quan sát được bằng mắt thường. Do vậy, trong quá trình điều khiển xe, người lái nên đặc biệt lưu tâm đến mọi dấu hiệu bất thường ở hệ thống phanh để kịp thời sửa chữa, giúp cho chuyến đi an toàn và hiệu quả.
Dưới đây là 8 dấu hiệu “báo trước” các lỗi hỏng ở phanh xe và một vài biện pháp khắc phục đơn giản mà các chủ xe có thể áp dụng.
1. Khi phanh xe rung lắc
Hiện tượng này là do sự tiếp xúc không đều giữa mặt đĩa và má phanh, bánh xe không cân, má phanh bị mòn không đều hoặc do đĩa phanh bị vênh khi phanh tạo nên.
Nếu phát hiện thấy dấu hiệu như vậy khi phanh bạn cần nhanh chóng đưa xe tới gara sửa chữa để bảo dưỡng lại đĩa phanh và hệ thống phanh, nếu không hậu quả khó có thể lường trước khi hệ thống phanh làm việc không hiệu quả.
2. Đạp phanh bị hẫng
Đây chính là dấu hiệu cảnh báo mất áp suất phanh. Nguyên nhân là do xy-lanh phanh bị rỗ, trầy xước khiến dầu bị hồi lại mỗi khi đạp phanh, hoặc do tuy-ô dẫn dầu bị nứt, khiến dầu bị rò rỉ. Lúc này, nếu người lái đạp phanh đột ngột, tuy-ô rất dễ vỡ, dẫn tới hiện tượng phanh không ăn, mất phanh.
3. Phanh có cảm giác nặng
Thiết bị phanh chất lượng, đang hoạt động trong trạng thái tốt nhất thường được sự hỗ trợ của trợ lực chân không nên quá trình đạp phanh sẽ rất đơn giản và dễ dàng, không gây vất vả cho người lái xe.
Trong trường hợp lái xe, khi sử dụng tới phanh bạn cảm thấy đạp phanh có cảm giác nặng chứng tỏ bộ phận phanh trên xe của bạn gặp vấn đề. Nguyên nhân có thể do trợ lực chân không của phanh đã bị hỏng, hoặc là do đường ống dẫn dầu bị tắc,…
4. Đạp phanh thấy xe bị lệch
Một sự cố thường gặp khác với phanh tang trống là hiện tượng xe bị lệch sang một bên khi phanh, nguyên nhân do lực phanh tác động lên các bánh xe không đồng đều, do một trong số chúng dính dầu, khe hở má phanh tang trống không đều, đường dẫn dầu bị tắc cục bộ…
Nếu bạn gặp phải tình huống này bạn nên mang xe đi sửa chữa, bởi vận hành kéo dài sẽ khiến xe dễ lật trong các tình huống phanh gấp ở tốc độ cao, hoặc vào cua…
5. Phanh hết cỡ xe vẫn không dừng
"Bệnh" này thường liên quan đến phanh tang trống, nguyên nhân là do cần đẩy piston xy-lanh chính bị cong, khô dầu hoặc lọt khí trong hệ thống phanh, má phanh quá mòn… Để xử lý tính trạng này, bạn cần sửa chữa piston xy-lanh, thay má phanh mới hoặc thêm dầu phanh tang trống.
6. Hoạt động của phanh không ổn định
Khi đạp phanh, chúng phải phản ứng một cách trơn chu và ổn định. Có những lúc, bàn đạp phanh được giữ trong thời gian dài, lực phanh chỉ xuất hiện trong 1 giây rồi mất, chu kỳ lặp lại đề đặn, có thể má phanh hoặc đĩa phanh đã bị hỏng.
Trong trường hợp này cần thay thế đĩa phanh, nên thay đồng thời từng cặp trước hoặc sau, tránh chỉ thay một phía.
7. Phanh không nhả (bó phanh)
Bình thường, phanh sẽ tự động nhả khi không có lực tác động lên bàn đạp, nhưng khi phanh không nhả chứng tỏ lò xo kéo hoặc lò xo hồi vị tại các má phanh bị hỏng, kẹt xy-lanh bánh xe, xy-lanh tổng phanh bị hỏng hoặc ắc quy phanh bị khô dầu.
Phanh không nhả cũng có thể do người lái thao tác sai, như hành trình của chân phanh không đúng, phanh tay điều chỉnh sai… Do vậy, tài xế "non tay" nên biết một số mẹo phanh xe an toàn.
8. Tiếng kêu phát ra từ cơ cấu phanh
Tiếng kêu ken két phát ra đều đặn khi bạn đạp phanh, đó là tín hiệu cho biết má phanh đã bị mòn, cần được thay thế. Đây là biện pháp an toàn mà nhà sản xuất đưa ra.
Nếu tiếng kêu không lớn hoặc không xuất hiện liên tục, có thể chất bẩn, rác đã lọt vào cơ cấu phanh. Hiện tượng này sẽ hết sau khi cơ cấu phanh được làm sạch.
Một vài nguyên nhân khác như chất lượng má phanh kém, guốc phanh không đúng, lò xo gẫy, guốc phanh không đồng tâm…