Ông Nguyễn Văn Minh là người con đến từ xứ sở hoa Đà Lạt và có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Sau nhiều năm làm ông giáo ở trường khuyết tật, ông bị chứng rối loạn giấc ngủ liên tục trong 7 năm nên phải tạm gác lại nghề “gõ đầu trẻ”.
“Đang đi dạy thì tôi ngã bệnh, 7 năm không chợp mắt được, đi nhiều bác sỹ chuyên khoa nhưng vẫn không khỏi. Lúc đó tôi sụt 22kg, tay chân yếu không cầm cọ được, tưởng đâu nghệ thuật gì là dừng lại hết rồi” - ông Minh kể.
Tưởng chừng như căn bệnh kỳ lạ này khiến con đường nghệ thuật của ông phải dừng lại. Thế nhưng, với ông, việc rời xa cây cọ là điều khó khăn và thay vì sống mòn trong những ngày sức khỏe không ổn định, ông lại tìm về với đam mê của chính mình. Từ một bức vẽ ngẫu hứng trước quán cà phê nhỏ, ông dần được nhiều người ủng hộ và đến nay, biết bao con hẻm Sài Gòn đã được ông “thay áo” bằng hơn 50 bức tranh độc đáo.
“Bây giờ bệnh đã thuyên giảm nhưng buồn ngủ lúc nào thì phải ngủ ngay, có khi người ta ngủ mình thức, lúc đó không biết làm gì ngoài vẽ. Mà khi người ta ngủ hết rồi, mình vẽ 1 mình ở không gian rộng lớn, vừa không bị phân tâm mà vừa nghĩ, sớm mai mọi người dậy lại thấy bức tường khác với đêm qua, màu sắc hơn, sạch đẹp hơn… Nhiêu đó thôi là vui rồi”.
Những bức tường lớn ngốn hết tiền “ăn sáng” của ông lão 76 tuổi, nhưng “vài ngày không vẽ thì ghiền lắm!”. Vì vậy mà gần 3 năm nay, cọ, sơn và đam mê luôn đồng hành cùng nhau, khoác cho những bức tường vô tri vô giác, cũ mốc, rêu phong chiếc áo mới, đầy màu sắc sinh động. Phần lớn những bức họa của ông Minh đều mộc mạc, đơn giản. Chúng mang màu sắc vui tươi, gần gũi với thiên nhiên, cuộc sống đời thường.
Con hẻm 62, 64 Nguyễn Khoái, Phường 2, Quận 4 có đôi chút quanh co, nhưng từ ngôi chùa nhỏ đến vách tường của những quán cơm, trường mẫu giáo… đều được ông Minh thổi vào đó những đường nét mộc mạc, uyển chuyển. Khi là những gì trong ký ức về một Đà Lạt an yên hay một bức họa đồng quê thanh bình; khi là những thông tin cực mới mẻ trong đời sống thực tại mà ông biết được khi xem tivi, báo đài… Tất cả được ông lồng ghép thật tinh tế và khéo léo, cùng với một vài vần thơ hay thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu và không kém phần hài hước.
Cuộc sống có rất nhiều hương vị, và có một hương vị được đặt tên là đam mê. Nhờ có đam mê mà ông Minh được thỏa sức sáng tạo, thư thả tuổi già. Cũng nhờ niềm đam mê đó mà ý thức trong cộng đồng được lan tỏa. Từ những bức vẽ độc đáo, ngộ nghĩnh, người người, nhà nhà trân quý hơn những mảng tường, có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh khu phố. Giữa đô thị phồn hoa, ông Minh đã làm cho những bức tường ảm đạm bừng sức sống.
Chắc chắn rằng, sẽ còn nhiều ngóc ngách ở các con hẻm khác của Sài Gòn được ông Minh trang hoàng, bởi “tuổi già nhưng sức và tâm trí không già” của ông vẫn còn đang ấp ủ 2 ý tưởng lớn về chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và vẻ đẹp hùng vĩ của thác Pongour ở xứ ngàn hoa Đà Lạt.