Giám đốc điều hành của Rolls-Royce, ông Torsten Müller-Ötvös cho biết, nhà máy của Rolls-Royce ở Goodwood có thể bị tê liệt bởi các tác động xấu từ Brexit.
Nỗi lo sợ này của hãng xe sang nước Anh đã nhân lên khi Thủ tướng Theresa May chịu thất bại nặng nề trước quốc hội Anh ngày 15/1 vừa qua.
Quốc hội nước này đã bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận.
Với hệ thống sản xuất theo hình thức tức thời của Rolls-Royce, có nghĩa là hãng không lưu kho linh kiện, phụ tùng quá 24 giờ, và mô hình này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Brexit, bất kể Anh có đạt được thỏa thuận với EU hay không.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra vào ngày 29/3 tới, Rolls-Royce đã bắt đầu hướng dẫn các nhà cung cấp các thủ tục nhập khẩu mới, đầu tư vào các hệ thống công nghệ và chuẩn bị nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng từ nước ngoài nếu việc thông quan hàng hoá bị đình trệ.
“Bạn có thể lên kế hoạch mọi thứ bạn muốn, nhưng bạn không thể lưu trữ phụ tùng trong khi hàng tuần, và nếu chuỗi hậu cần bị phá vỡ thì sẽ ảnh hưởng tới việc sản xuất. Chỉ cần thiếu 1 bộ phận là không thể hoàn thiện chiếc xe”, ông Müller-Ötvös cho biết.
Rolls-Royce hiện chỉ có 8% phụ tùng xe của hãng được sản xuất tại Anh. Do đó, công ty nhập khẩu khoảng 32.000 bộ phận từ hơn 600 nhà cung cấp toàn cầu để hoàn thiện xe. Hãng xe sang này phải thực hiện 35 chuyến xe vận chuyển phụ tùng mỗi ngày để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra suôn sẻ.
Dù đang đứng trước thách thức tổn hại lớn khi Anh rời khỏi EU, ông Müller-Ötvös khẳng định hãng sẽ không chuyển việc sản xuất ra khỏi Anh.