Trong hệ thống văn bản về giao thông vận tải đường bộ, ta gặp nhiều lần các từ ghép và cụm từ: trọng tải, tải trọng, khối lượng, trọng lượng, tải trọng của xe, tải trọng của đường bộ, vượt trọng tải, quá tải trọng.
Nhận thấy số lượng từ ngữ như vậy có khá nhiều, không nhất quán, mâu thuẫn với nhau, thậm chí ngay trong một điều của một văn bản. Tình trạng hiểu không thống nhất dẫn đến những tranh cãi giữa các bên liên quan, thậm chí có chủ doanh nghiệp vận tải còn muốn kiện cơ quan quản lý đường bộ. Các công văn giải thích qua lại, và cuộc tranh luận còn tiếp tục trên các diễn đàn, chưa tìm ra câu trả lời xác đáng.
Vậy trọng tải là gì, tải trọng là gì, chúng là đại lượng khối lượng hay trọng lượng?
Tải trọng là gì?
Trong ngành ô tô ở Việt Nam hiện nay, có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau về tải trọng mà khiến nhiều người vẫn còn khá mông lung. Tuy nhiên, sẽ có cách định nghĩa chung nhất về tải trọng mà phản ánh đúng nhất về khái niệm này.
Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về xe hơi định nghĩa: Tải trọng là khối lượng hàng hóa mà phương tiện, cụ thể ở đây là ô tô đang chở/vận chuyển. Tải trọng này sẽ chỉ tính khối lượng của hàng hóa mà xe đang vận chuyển và được phép lưu thông theo đúng quy định của luật giao thông, không bao gồm khối lượng toàn tải (tự trọng của xe và người trên xe).
Trọng tải là gì?
Tải trọng và Trọng tải là 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn nhưng đến nay vẫn bị hiểu nhầm và khó phân biệt, đặc biệt là những tài xế lái xe tải/Container.
Trọng tải được hiểu là khả năng chuyên chở hàng hóa tối đa mà phương tiện được phép vận chuyển theo đúng an toàn kỹ thuật được cấp phép. Trọng tải được quy định ở đăng kiểm xe cơ giới được cấp bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ.
Quy định về mức xử phạt đối với xe quá tải trọng cho phép
Tại điều 24 - Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi vi phạm: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng) và trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng. Chủ xe sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50%. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Với mức quá tải trên thì chủ xe là cá nhân còn bị xử phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng khi vi phạm: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp này chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 28.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150%, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng. Ngoài ra, chủ xe là cá nhân còn bị xử phạt từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.