Giấy vận tải là gì?
Giấy vận tải là văn bản thể hiện các thông tin liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ôtô. Theo đó, Khoản 2 Điều 52 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT quy định:
- Giấy vận tải bao gồm các thông tin sau: Tên đơn vị vận tải; tên đơn vị hoặc người thuê vận chuyển; hành trình (điểm khởi đầu, lộ trình, điểm kết thúc hành trình); số hợp đồng (nếu có), ngày tháng năm ký hợp đồng; loại hàng và khối lượng hàng vận chuyển trên xe; thời gian nhận hàng, giao hàng và các nội dung khác có liên quan đến quá trình vận tải.
Cự ly của hành trình hoạt động được xác định từ điểm khởi đầu đến điểm kết thúc của chuyến đi.
- Giấy vận tải do đơn vị vận tải đóng dấu và cấp cho lái xe mang theo trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên đường; trường hợp là hộ kinh doanh thì chủ hộ phải ký, ghi rõ họ tên vào Giấy vận tải.
- Sau khi xếp hàng lên phương tiện và trước khi thực hiện vận chuyển thì chủ hàng (hoặc người được chủ hàng uỷ quyền), hoặc đại diện đơn vị hoặc cá nhân thực hiện xếp hàng lên xe phải ký xác nhận việc xếp hàng đúng quy định vào giấy vận tải theo mẫu.
Mức xử phạt lỗi vận chuyển hàng hoá không có giấy vận tải
Theo Khoản 6 Điều 53 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT, khi vận chuyển hàng hóa, lái xe phải mang theo Giấy vận tải và các giấy tờ của lái xe và phương tiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp lái xe không mang theo Giấy vận tải sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, mức xử phạt về lỗi không có giấy phép kinh doanh vận tải được quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 24 Nghị định 46/2016/ -CP:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa không có hoặc không mang theo giấy vận tải theo quy định, trừ xe taxi tải.
Như vậy, trường hợp vận chuyển hàng hoá mà lái xe không có giấy vận tải theo quy định thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.