Hình thức thuê ô tô tự lái ngày Tết, thay vì đi xe khách, tàu hỏa và máy bay đã không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam. Đặc biệt, những người có khoảng cách di chuyển gần như các tỉnh Vũng Tàu, Tây Ninh, thậm chí cả Ninh Thuận, Bình Thuận.
Thuê ô tô ngày Tết có những tiện lợi về mặt thời gian và cách thức di chuyển, tuy nhiên cũng có những rắc rối nếu người thuê không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì thế, khách hàng có nhu cầu hãy bỏ túi những kinh nghiệm sau đây để đảm bảo không bị "chặt chém" hay tranh chấp trong khi thuê ô tô tự lái.
Liên hệ đặt xe sớm
Nhu cầu thuê xe tự lái trong các dịp lễ Tết thường tăng đột biến, gấp nhiều lần ngày thường, nguồn cung xe cho thuê cũng vì thế mà trở nên khan hiếm hơn thậm chí là không có xe cho thuê khi sát tết. Bởi vậy những khách hàng đặt sớm sẽ dễ thỏa thuận và thoải mái hơn do có nhiều lựa chọn hơn. Khách đặt muộn có thể bị hét giá gấp vài lần hoặc khó khăn hơn trong việc tìm kiếm hoặc chọn dòng xe mình ưng ý.
Do đó, để tiết kiệm thời gian, tiền bạc và chủ động trong kế hoạch thì bạn nên tham khảo và lựa chọn đặt xe sớm ít nhất khoảng nửa tháng.
Lựa chọn dịch vụ cho thuê
Nên chọn dịch vụ gần nhà hoặc chỗ quen biết để dễ giải quyết các thủ tục. Trường hợp bạn muốn thuê xe nơi khác thì hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của bạn bè, người thân cũng như tham khảo kỹ các thông tin trên mạng internet.
Thông thường khi thuê xe tự lái sẽ có 2 hình thức là thuê xe theo ngày hoặc thuê xe theo km. Bạn cần tìm hiểu giá thuê xe bao nhiêu/ngày hoặc bao nhiêu/1km. Căn cứ vào kế hoạch như: Đi đâu? Đi mấy ngày? Đi xa hay gần?...để từ đó quyết định chọn gói thuê theo ngày hay theo km. Trong trường hợp thuê theo ngày nhưng lại hạn chế số km thì bạn cần chú ý đến việc sẽ phụ thu thêm 1 km là bao nhiêu tiền để tránh bị hớ về sau.
Nên lựa chọn các công ty cho thuê chuyên nghiệp, tuy yêu cầu khắt khe hơn nhưng sẽ có sự đảm bảo cao hơn.
Kiểm tra xe, giấy tờ xe
Để yên tâm khi di chuyển, bạn cần phải kiểm tra kỹ các giấy tờ xe, thời hạn lưu hành, hạn đăng kiểm… tránh trường hợp bị phạt vì lỗi này khi CSGT kiểm tra giấy tờ xe.
Tiếp đến bạn nên kiểm tra tổng thể xe, xem thân vỏ có bị trầy xước, móp mép, móp vành, đèn gương có bị nứt vỡ, tình trạng lốp, bánh xe dự phòng và bộ dụng cụ sửa chữa trên xe có đầy đủ hay không? Tránh tình trạng mất tiền oan vì những lỗi không phải do mình gây ra. Tốt nhất bạn nên chụp lại toàn bộ các chi tiết xe trước khi nhận xe và chỉ rõ cho chủ xe để sau này thuận tiện đối chiếu.
Đối với phần bên trong xe, kiểm tra sẽ có phần khó hơn, đặc biệt là đối với những người ít kinh nghiệm. Sau khi lên xe bạn bật khóa điện, khởi động máy kiểm tra ổ đĩa DVD, màn hình, hệ thống loa, còi, camera, cảm biến lùi, hệ thống chiếu sáng… Nếu một trong những thiết bị trên không hoạt động hoặc hoạt động không tốt thì bạn nên yêu cầu bên cho thuê xe kiểm tra lại và ghi chú vào hợp đồng thuê xe.
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra bề mặt tất cả các ghế ngồi trên xe, sàn lót dưới chân xem có nơi nào bị cháy, rách không. Các bộ phận nội thất cũng không được bỏ qua như : mặt táp lô, tay nắm cửa phía trong xe, hệ thống kính điện… các bộ phận này đều phải kiểm tra tình trạng hoạt động của chúng có ổn định không.
Cuối cùng, bạn sẽ kiểm tra cụm đồng hồ, số km đã đi, xăng… rồi yêu cầu bên trung tâm cho lái thử để xem hệ thống lái, giảm xóc, máy điều hòa hoạt động thế nào.
Thỏa thuận điều khoản hợp đồng chặt chẽ
Hợp đồng thuê xe đều do các bên đặt ra và tự thỏa thuận với nhau. Do đó để tránh những tranh cãi không đáng có sau này bạn nên đọc kỹ các điều khoản hợp đồng.
Thứ nhất, hợp đồng thuê xe phải thể hiện rõ là theo ngày hay theo km, giá cả, thời gian thuê, hạn chế bao nhiêu km, giá tiền phụ trội là bao nhiêu. Trước khi nhận xe, lập biên bản để xác định tình trạng của xe một cách cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, khi thỏa thuận đặt cọc hãy thêm điều khoản đền bù cụ thể của bên cho thuê trong trường hợp họ giao xe không đúng thỏa thuận về thời gian, loại xe, hãng xe… Điều nay sẽ giúp bạn không bị lỡ kế hoạch hay “ tiền mất tật mang” khi nhận một chiếc xe cũ kỹ, tồi tàn không đúng xe mình đặt.
Khi trả xe
Đến thời gian trả xe, bạn phải kiểm tra tình trạng xe, chốt số km cùng chủ xe hoặc bên cho thuê. Nếu trường hợp xe gặp tai nạn, sự cố mà phải đền bù thì hãy nhờ người hiểu biết về xe tư vấn trước để tránh những đôi co và đòi hỏi đền bù không thỏa đáng.