Đăng kiểm xe là thủ tục kiểm tra xem xe có đạt đủ tiêu chuẩn để tham gia giao thông hay không. Đây là một qui trình cần thiết và bắt buộc. Tất cả mọi chủ xe phải tiến hành đăng kiểm xe nếu muốn đưa xe vào sử dụng.
Khi đến nơi đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm sẽ tiến hành các thủ tục kiểm tra theo đúng trình tự đã quy định để đảm bảo rằng xe bạn đủ điều kiện để tham gia giao thông và không quá gây hại tới môi trường. Nghe có vẻ đơn giản nhưng trong thực tế, nhiều xe đã trượt đăng kiểm vì xe quá cũ, gây hại môi trường… Nếu đạt đăng kiểm, chủ ô tô sẽ được cấp giấy đăng kiểm xe hoặc được phép gia hạn giấy đăng kiểm trước đó. Đối với trường hợp không đạt, người sở hữu ô tô bắt buộc phải khắc phục những lỗi chưa đạt đến khi nào đạt thì mới được cấp giấy đăng kiểm xe. Nắm rõ những bí quyết cực hữu ích sau giúp cho quá trình đưa xế cưng đi đăng kiểm sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
1. Nắm bắt rõ quy trình đăng kiểm xe ô tô
Việc hiểu rõ quy trình đăng kiểm xe ô tô sẽ giúp cho chủ xe biết được việc mình cần làm bao gồm những gì, từ đó sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn, giảm thiểu sự hoang mang khi phải loay hoay với quá nhiều thủ tục.
Theo quy định, thông thường quy trình đăng kiểm xe ô tô sẽ gồm các bước như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ bao gồm đăng ký xe, đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (có thể mua bảo hiểm tại quầy), viết tờ khai và đóng phí gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp chứng nhận. Mọi thủ tục liên quan đến quy trình đăng kiểm xe ô tô được thực hiện ở các trạm đăng kiểm do Bộ Giao Thông vận tải cấp phép.
Bước 2: Kiểm tra xe: Trong trường hợp xe có vấn đề không đạt yêu cầu, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để lái xe mang đi sửa rồi quay lại sau.
Bước 3: Đóng phí bảo trì đường bộ: Nếu xe đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm theo thứ tự sẽ đọc biển số xe để lái xe đóng phí bảo trì đường bộ.
Bước 4: Dán tem đăng kiểm mới: Khi đã hoàn tất các thủ tục trên, tài xế ra xe chờ dán tem đăng kiểm mới, nhận hồ sơ và ra về.
Trong đó, hồ sơ đăng kiểm xe ô tô sẽ bao gồm CMND/CCCD, Hộ khẩu, Tờ khai quy định, Giấy tờ gốc của xe, Đăng ký xe ô tô, giấy chứng nhận kiểm định và bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn thời gian....
Phí đăng kiểm theo quy định của Thông tư 133/2014/TT-BTC cho từng loại xe ô tô.
Ngoài phí đăng kiểm, chủ xe còn phải đóng phí bảo trì đường bộ theo quy định của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP.
2. Kiểm tra và bảo dưỡng xe trước khi đăng kiểm
Không nên mang xe đi đăng kiểm khi chưa thực hiện bước chuẩn bị vô cùng quan trọng này. Hãy mang ô tô của bạn đến trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra và chăm sóc tổng thể xe. Điều này giúp xe của bạn tăng khả năng đáp ứng được những tiêu chuẩn do cơ quan đăng kiểm đề ra như an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…vv. Rất nhiều chủ xe đã chủ quan, không thực hiện bước này dẫn đến kết quả là xe bị đánh trượt.
3. Tránh khung thời gian cao điểm
Kinh nghiệm đi đăng kiểm xe ô tô cho thấy nếu bạn mang xe tới trung tâm vào giờ cao điểm, rất có thể bạn sẽ phải chờ rất lâu mới tới lượt xe của mình. Đặc biệt là các ngày đầu tuần và trước ngày nghỉ lễ, số lượng xe đăng kiểm sẽ tăng một cách đáng kinh ngạc. Do đó hãy tránh những thời điểm trên để bạn không mất thời gian chờ đợi.