Tại sao độ mòn lốp lại quan trọng?
Mòn lốp chính là hiện tượng gai lốp quá mỏng làm cho việc lái xe trở nên không an toàn. Khi lốp không bám đường, người lái có thể mất kiểm soát xe.
Độ sâu gai lốp cực kì quan trọng khi bạn đi trên mặt đường quá ướt. Bất cứ khi nào mưa, bạn cần gai lốp để xuyên qua được lớp ngăn này và duy trì được sự tiếp xúc với mặt đường nhiều nhất có thể. Nếu gai lốp càng nông, bạn càng dễ mất lực ma sát khi lái xe dưới trời mưa, việc giảm tốc độ khi lái xe dưới trời mưa cũng giúp bạn duy trì khả năng bám đường.
Vấn đề gì ảnh hưởng đến độ mòn của lốp?
Những yếu tố ảnh hưởng đến độ mòn của lốp gồm áp suất lốp, tải trọng. Ngoài ra còn có các lực dẫn động, phanh, lực ly tâm lúc quay tác động vào lốp tăng theo tỷ lệ bình phương của vận tốc.
Do đó, tăng tốc sẽ làm tăng các lực này lên gấp bội, làm tăng lực ma sát giữa hoa lốp và mặt đường, qua đó làm tăng độ mòn của lốp. Ngoài các yếu tố này, điều kiện mặt đường cũng có ảnh hưởng lớn đến độ mòn của lốp. Đương nhiên đường gồ ghề khiến lốp mòn nhanh hơn đường nhẵn.
Nguyên nhân thứ nhất gây mòn lốp: Áp suất lốp
Nếu ta bơm lốp quá non hoặc quá căng đều làm cho áp suất lốp không đúng tiêu chuẩn và như vậy lốp sẽ không phẳng khi nó tiếp xúc với mặt đường dẫn đến mòn nhanh. Áp suất lốp quá cao khiến nó bị cứng, không triệt tiêu được các chấn động từ mặt đường dẫn đến xe chạy không êm. Mỗi xe có một áp suất tiêu chuẩn ứng với tải trọng và đặc tính của nó vì vậy khi bơm lốp cần chú ý điều này.
Ngược lại, áp suất lốp quá thấp sẽ khiến lốp bị bẹp, làm tăng diện tích tiếp xúc với mặt đường do vậy tăng sức cản khiến cho tay lái nặng hơn. Mặt khác nếu áp suất giữa các lốp không đều nhau, sức cản giữa các lốp bên trái hay bên phải không đều dẫn đến hiện tượng xe bị lạng sang một bên.
Mỗi tháng, bạn nên kiểm tra áp suất của tất cả lốp kể cả lốp dự phòng. Bạn cũng nên kiểm tra lốp trước khi bắt đầu chuyến đi dài hoặc khi bạn cần tải thêm hành lí hoặc người. Bạn có thể tìm thông số áp suất lốp tiêu chuẩn được nhà sản xuất xe khuyến cáo trên bộ tem ở cửa ghế lái hoặc thanh đứng khung cửa. Bạn cũng có thể tìm thông số này trong sổ hướng dẫn sử dụng xe.
Nguyên nhân thứ hai gây mòn lốp: Tải trọng lớn
Tải trọng lớn làm tăng độ mòn của lốp cũng giống như khi lốp non. Lốp mòn nhanh hơn khi xe chở nặng vì lực ly tâm lớn hơn khi quay tác động vào xe sẽ làm phát sinh lực ma sát lớn hơn giữa lốp và mặt đường. Áp suất lốp không đủ, vai lốp mòn nhanh hơn phần giữa. Sự quá tải cũng gây ra hậu quả như vậy. Nếu áp suất lốp quá lớn, phần giữa mòn nhanh hơn vai.
Độ chụm quá mức khiến các lốp trượt ra ngoài và kéo bề mặt tiếp xúc của hoa lốp vào trong, gây mòn do độ chụm. Và độ doãng quá mức cũng gây ra mòn lốp xe. Ngoài ra, sự biến dạng hoặc độ rơ quá mức của các chi tiết trong hệ thống treo cũng ảnh hưởng đến độ chỉnh của bánh làm cho lốp mòn không bình thường. Nếu các ổ bi, khớp cầu, đầu thanh nối... có độ rơ quá mức, hoặc nếu trục bị cong, lốp sẽ bị đảo ở các điểm cụ thể khi nó quay ở tốc độ cao gây ra lực ma sát lớn và tình trạng trượt, cả hai tác động này đều dẫn đến lốp bị mòn thành vệt.
Nguyên nhân thứ 3 gây mòn lốp: Cân chỉnh thước lái bị lệch
Cân chỉnh bánh xe hay cân chỉnh thước lái, là điều chỉnh bánh lái của xe và hệ thống treo, là hệ thống kết nối và kiểm soát chuyển động của bánh xe. Đây không chỉ đơn giản là cân chỉnh lốp xe hay bánh xe. Mục đích quan trọng của việc cân chỉnh là canh chính xác góc đặt của lốp xe và độ tiếp xúc với mặt đường dựa vào các thông số của nhà sản xuất xe quy định cho góc camber, góc toe và góc caster.
Căn chỉnh lốp xe không chính xác có thể khiến lốp mòn sớm và mòn bất thường. Các hiện tượng mòn bất thường hay gặp bởi căn chỉnh lệch gồm:
Mòn hình răng cưa: Xảy ra khi một bên gai lốp mòn nhanh hơn bên còn lại ở phía trong. Khi sờ lên bề mặt lốp, bạn sẽ có cảm giác mặt lốp nhấp nhô như răng cưa. Hiện tượng mòn này thường xảy ra ở gân lốp phía mép và gây ra bởi góc toe âm hoặc dương.