Dưới đây là một số lưu ý quan trọng dành cho những ai đang sử dụng xe không chính chủ.
Xe không có giấy tờ, được sang tên đến hết 31/12/2021
Theo khoản 3 Điều 26 Thông tư 58/2020/TT-BCA “Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định tại Điều 19 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2021“
Theo đó, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều đời chủ như hợp đồng mua bán, tặng cho,….mà không có giấy tờ thì vẫn được giải quyết sang tên đến hết 31/12/2021. Nếu không thực hiện trong thời hạn này, thì từ ngày 01/01/2022 trở đi đối với xe không chính chủ không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu sẽ không được giải quyết sang tên.
Người sử dụng xe phải có cam kết về nguồn gốc xe
Theo khoản 1 Điều 19 Thông tư 58/2020/TT-BCA “Thủ tục, hồ sơ sang tên: Người đang sử dụng xe đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe để làm thủ tục sang tên, xuất trình giấy tờ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe hợp pháp, cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe và nộp giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;
b) Giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng (nếu có).“
Theo đó, người đang sử dụng xe khi đến làm hồ sơ, thủ tục sang tên thì cần ghi rõ quá trình mua bán, giao nhận xe ngoài ra còn cần phải có cam kết về nguồn gốc xuất xứ của xe. Và nộp kèm theo đó là giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe và giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe (nếu có).
Trường hợp nào bị phạt lỗi xe không chính chủ
Theo quy định Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: “Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.“
Như vậy, việc xử phạt xe không chính chủ chỉ bị xử lý trong 02 trường hợp sau:
- Qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông
- Qua công tác đăng ký xe
Do đó, trong trường hợp thông thường sẽ không bị xử phạt, tuy nhiên để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích cho mình thì cần tự giác thực hiện thủ tục sang tên theo quy định.
Mức xử phạt đối với xe không chính chủ
Căn cứ Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA, trong thời hạn 30 ngày (kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu), tổ chức, cá nhân mua xe có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký và biển số xe.
Nếu không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sau khi chuyển quyền sở hữu, người sử dụng xe sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy:
- Cá nhân bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
- Tổ chức bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 01 triệu đồng.
Không làm thủ tục đăng ký sang tên ôtô:
- Cá nhân bị phạt từ 02 - 04 triệu đồng.
- Tổ chức bị phạt từ 04 - 08 triệu đồng.