Những ông chủ của CX-8 tại Việt Nam thường tự nhủ rằng, đây là mẫu xe SUV cỡ lớn duy nhất của Mazda lăn bánh trên xứ sở Phù Tang - nơi những gì là tốt nhất mới được giữ lại cho người Nhật.
Tuy nhiên doanh số ảm đạm và liên tiếp những chương trình hạ giá gần đây lại khiến người tiêu dùng phải đi tìm lời đáp cho câu hỏi: vì sao thất thế trước Sorento và Santafe?
Một chiếc SUV cỡ trung ngỡ như hoàn hảo
Nếu cho tôi lựa chọn giữa Sorento, Santafe và CX-8 bản full, tôi sẽ chọn gã to con người Nhật. Chúng ta mua SUV để chở nhiều người, ngồi thoải mái, đi đa dạng địa hình, chạy offroad thì CX-8 là một chiếc xe tốt đúng nghĩa với kích thước tổng thể vượt trội, chiều dài cơ sở lớn nhất cũng như khoảng sáng gầm xe tốt nhất.
Chính chiều dài cơ sở lớn nhất giúp cho khoảng duỗi chân cả 3 hàng ghế của CX-8 trở nên cân đối một cách chuẩn mực và quan trọng hơn, điều mà các đối thủ không có được là góc ngả của hàng ghế thứ 3 trên mẫu xe Mazda là rộng nhất, giúp cho các hành trình dài sẽ không bị mỏi và bí bách.
Thể tích khoang hành lý theo tôi là kẻ tám lạng người nửa cân trên tất cả các mẫu xe bởi tôi chỉ chở tối đa là 6 người chứ không bao giờ dùng hết ghế bởi khi đó, chỉ có các mẫu SUV Mỹ fullsize mới có thể đảm bảo “cân tất cả thế giới".
Do đều ở phiên bản cao cấp nhất, cảm nhận của người dùng khi bước vào khoang hành khách của các mẫu xe là như nhau. Tôi đánh giá CX-8 cao hơn các đối thủ Hàn Quốc chính là ở sự bảo thủ và tinh giản của người Nhật. Một không gian táp-lô không quá rườm rà với việc bố trí các nút điều khiển rất thân thuộc với các mẫu xe khác; màn hình trung tâm 7 inch là vừa đủ không gây mất tập trung khi lái xe (đừng hack nó để xem Youtube nhé).
Mazda CX-8 không được trang bị cửa sổ trời như đối thủ nhưng bù lại, chủ nhân sẽ tiết kiệm được kha khá tiền xăng chạy điều hoà cũng như các tấm lót che chắn dưới cái nắng nóng cũng như sự ồn ào trong những cơn mưa lớn. Bù lại CX-8 ưu việt với việc trang bị sưởi cho cả hai hàng ghế đầu tiên giúp cho mùa đông ở miền Bắc hay các chuyến chu du Đà Lạt sẽ thoải mái hơn rất nhiều với trang bị này.
Thaco cũng giúp mẫu xe cỡ lớn của họ “dễ lựa” hơn Sorento hay Santafe ở chỗ, chỉ có 3 phiên bản với sự khác biệt không quá nhiều, chủ yếu nằm ở những tuỳ chọn tiện ích mà người tiêu dùng hoàn toàn có thể vui vẻ chấp nhận khi cân đối với túi tiền cũng như mục đích sử dụng.
Điểm trừ đầu tiên của CX-8 đến từ hình dáng tổng thể. Những đường vuốt cong của thiết kế Kodo có lẽ chỉ hợp với kích cỡ vừa và nhỏ còn trên một mẫu xe dài suýt soát 5m thì Mazda CX-8 lại giống như một anh gù dài lưng.
Điểm thứ hai đến từ dàn lốp Toyo và dàn phuộc nguyên bản tương đối cứng nên khi đi đường khá ồn. Đặc biệt bộ giảm sóc rất dở là khi đi chậm thì cứng và đi nhanh thì mềm bởi khi chạy với tốc độ cao thì giảm sóc cứng sẽ cho những phải hồi tốt hơn từ mặt đường, dẫn tới đánh lái sẽ tốt theo.
Chưa kể là phuộc theo xe còn cho tôi cảm nhận đuôi xe khá bồng bềnh như kiểu thánh lật Fortuner. Những yếu điểm này tôi đã khắc phục bằng cách thay dàn lốp Michelin và phuộc Bilstein B4 của Mỹ; đánh đổi lại là phụ kiện dzin theo xe bỏ xó đầy phí phạm.
Phần chiếu sáng của CX-8 cũng là một vấn đề đáng bàn. Tôi đã phải thay toàn bộ đèn nội thất từ bóng sợi đốt qua bóng led vàng cho ấm áp, cũng như bổ sung các đèn gầm ghế cho thêm phần sáng sủa như xe Đức. Ở ngoại thất, đèn pha Led công nghệ nghe thì hay nhưng ánh sáng trắng không hề bám đường trong điều kiện trời mưa và thường bị đèn đường trong thành phố lấn át.
Hiện tại tôi cũng chưa muốn động tới phần này nhưng việc phải thay bóng của đèn pha là điều cần làm trong tương lai gần. Bên cạnh đó đèn sương mù cũng chỉ để làm cảnh cho vui vì mình hầu như không thể nhận ra ánh sáng của xe khi đi trên đường. Nếu không vướng các quy định về đăng kiểm thì chắc cũng phải làm cái led bar chiếu xuống mặt đường do mình cũng hay đi tỉnh xa và tận dụng đi đêm cho tiết kiệm thời gian.
Bên trong khoang lái thì tôi có ba điểm không hài lòng mà có lẽ khắc phục cũng không dễ lắm. Thứ nhất là tuỳ chọn làm mát ghế bị cắt (trong khi CX-5 lại có). Việt Nam là nước nhiêt đới và đây là điểm sales point mà các hãng xe Hàn đã thích ứng rất nhanh trên các mẫu xe cận giá 1 tỷ đồng. Thứ hai là ốp gỗ piano rất sang trọng và đẹp nhưng cũng lại rất dễ trầy xước do toàn ở những vị trí thường xuyên có sự tương tác là yên ngựa và tay nắm cửa.
Khắc phục bằng PPF là hoàn hảo nhưng việc tốn 4-5 triệu cho PPF chất lượng tốt thì cũng đắn đo nhiều đấy. Và cuối cùng là dàn loa theo xe. Bản Premium được trang bị 10 loa Bose cùng tính năng chống ồn chủ động, còn 2 phiên bản thấp hơn chỉ là 4 loa cánh và 2 loa cột A với chất lượng rất …. Việt Nam.
Tôi có anh bạn làm âm thanh và anh cũng cho tôi thấy hầu hết xe CX-8 qua chỗ anh đều thay toàn bộ dàn loa, bất kể là Bose hay thường. Bản thân xe mình thì đã thay toàn bộ bằng hệ thống Focal với cấu hình vừa phải tai trâu, hết 30 triệu. Cấu hình này khi phối với nhạc chất lượng tốt trên Spotify hay Zing thì cũng không quá tồi. Các bạn cũng lưu ý nhé, loa tốt thì source nhạc cũng cần tương đương chứ nhạc Youtube hay 128Kps thì nâng cấp loa cũng chỉ tốn tiền vô ích.
Động cơ Skyactiv hút khí tự nhiên - bệnh tim giết chết mộng kinh doanh
Đây chính là điểm yếu lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính yếu nhất mà theo tôi, đã khiến CX-8 tụt lại với Santafe và Sorento tại thị trường Việt Nam. Những người làm sản phẩm của Thaco lẽ ra có thể làm tốt hơn nếu mang về động cơ Skyactiv G 2.5 Turbo (Xăng) và Skyactiv D 2.2 Turbo (Dầu) với công suất tương đương (máy dầu), thậm chí vượt trội so với 2 mẫu xe Hàn Quốc (máy xăng).
Xu hướng của người tiêu dùng Việt là ưa chuộng xe máy dầu do chi phí nhiên liệu thấp và giá bán cũng rẻ hơn nên việc chỉ có động cơ xăng đã làm mất sức hút của mẫu xe Nhật Bản.
Vậy tại sao lẽ ra có thể làm tốt hơn thì Thaco lại không làm? Nguyên nhân tôi nghĩ ở đây chính là giá bán. Việc phải cân đối làm sao để không đè đầu người em ruột CX-5 và cũng không thúc mạnh người anh họ Kia Sedona đã làm cho mức giá của CX-8 chỉ nằm trong khoảng từ 1 - 1,3 tỷ. Nếu được trang bị các mẫu động cơ có tăng áp turbo, chắc hẳn giá sẽ phải cao hơn một chút. Nhà phân phối cắn răng với bài toán lợi nhuận như vậy thì người tiêu dùng phải gánh chịu những thiệt thòi gì?
Thứ nhất khả năng tăng tốc kém. Thaco lựa chọn chung một động cơ 2.5L công suất 188 mã lực để kéo cho cả hai mẫu xe CX-8 (2.3 tấn, toàn tải) và CX-5 (2 tấn, toàn tải). Do đặc trưng hút khí tự nhiên và chạy số tự động nên khi cần tăng tốc tức thời, nhất là để vượt xe công, xe khách, CX-8 tỏ ra bị đuối. Để tăng tốc nhanh hơn, Sport mode là một giải pháp nhưng sẽ mất thời gian và sự tập trung để chuyển chế độ tại cần số trong khi khoảnh khắc vàng để vượt xe an toàn khi đi trên đường chỉ tính bằng tích tắc.
Tôi cũng từng nói trong bài chia sẻ về CX-3, Sport mode trên xe Mazda chỉ là một cách kéo dài thời gian sang số để tận dụng lực kéo của số thấp chứ không phải can thiệp vào EMU để tăng công suất động cơ. Giải pháp khác để tăng tốc là chuyển về chế độ Manual, hợp lý, nhưng bù lại là một cú chúi xe nếu bạn đang ở vận tốc cao.
Thứ hai, tốn xăng. Đây là điều khó có thể bàn cãi khi công suất thiết kế là 188 mã lực, tối ưu cho chiếc SUV cỡ nhỏ CX-5. Việc phải gồng mình gánh vác tải trọng lớn sẽ khiến chiếc xe cần nhiều năng lượng và nguyên liệu hơn. Mức tiêu thụ bình quân của mình khi chạy trên QL14 là khoảng 6 lít; QL1 ra Nha Trang là 9 lít còn đường nội thị Saigon luôn là 13 lít với chiếc xe chỉ mới chạy chưa tới 1 vạn cây số. Lẽ ra
Thứ ba, ồn ào như người bị Covid. Đây là đặc trưng mà mình hay bắt gặp ở những xe có động cơ được thiết kế để lắp tăng áp nhưng lại bị lược bỏ. Đó là những tiếng rít rít sau mỗi cú đạp ga, tựa như bạn đang bị viêm họng và tiếng hứ hứ trong cổ họng bạn lúc này là cảm nhận rõ nhất. Tôi có hỏi kỹ thuật của Thaco thì họ trả lời đặc trưng máy Mazda nó vậy chứ họ cũng không rõ tại sao; chỉ yên tâm là xe không bị Covid đâu dù có những dấu hiệu âm thanh như vậy
Thaco có sớm đổi thay?
Và giá như, giá như chúng ta có được động cơ Skyactiv 2.5L T trên CX-8, với công suất tăng lên tới 226 mã lực thì chắc chắn rằng, xe Hàn sẽ thực sự gặp khó và Fortuner cũng lạnh gáy vô cùng.
Năm 2020, Mazda đã tung ra bản facelift cho CX-8 tại thị trường Nhật với những bổ sung đáng giá nhắm vào việc tận hưởng không gian bên trong nội thất. Nghĩa là kết cấu khung gầm và tuỳ chọn động cơ vẫn không có gì thay đổi so với lần đầu ra mắt năm 2017. Và cũng đã 2 năm lăn bánh tại Việt Nam, chắc chắn Mazda cũng như Thaco hiểu rất rõ CX-8 đang thất thể ở đâu.
Thị trường Việt Nam không chấp nhận những mẫu xe có chỉ để cho đủ phân khúc. Họ cần những chiếc xe giá trị tới từng đồng chi phí và đừng bị bỏ lại trong những câu chuyện với bạn bè. TC Motors đã tiến rất nhanh với Santafe, KIA cũng thành công khi gãi đúng những điểm ngứa còn Toyota thì đang đuối sức trên mọi mặt trận. Giờ là lúc Thaco cần tăng tốc để giải quyết gọn gàng các đối thủ.
Mà để làm thế, thì cần có một bộ turbo.
Nguồn: FB Quang Anh