1. Khởi động xe định kỳ hàng tuần
Để đảm bảo hoạt động trên xe bình thường, dầu được bơm đều đến các chi tiết và ắc quy được sạc lại điện, bạn hãy khởi động máy lên khoảng 30 phút mỗi tuần một lần.
Nếu xe đang ở trong không gian kín, bạn hãy chạy xe ra ngoài nơi không gian mở trước khi thực hiện nổ máy nhé.
2. Chăm sóc động cơ, hộp số, vi sai, máy điều hoà…
Việc khởi động xe thường xuyên còn giúp dầu và các chất lỏng khác có thể lưu thông trong động cơ. Bạn nên lái xe tiến hoặc lùi vài chục mét để các chi tiết khác (hộp số, vi sai…) được vận hành trơn tru.
Khi khởi động, hãy kết hợp bật điều hoà để ngăn ngừa tình trạng ẩm mốc, mùi hôi trong khoang xe vì bị đóng kín không sử dụng trong thời gian dài.
3. Chăm sóc, kiểm tra hệ thống phanh
Khi không sử dụng trong một thời gian dài, hệ thống phanh có thể bị kẹt, hoen gỉ, nhất là đối với tình hình thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Để hạn chế điều này, bạn làm như sau.
Đối với xe số tự động không khởi động động cơ, đưa về số P và lặp lại nhiều lần việc nhả tay phanh và khóa tay phanh. Đối với xe số sàn, đưa về số 1 hoặc số lùi (số R) và lặp lại nhiều lần việc nhả tay phanh và khóa tay phanh.
Lưu ý: Khi thực hiện các thao tác trên, để đảm bảo an toàn, bạn không nên khởi động động cơ. Ngoài ra, nếu phải đỗ xe trên đường dốc, ngoài việc thực hiện những điều trên, để đảm bảo an toàn, hãy chèn bánh xe trước khi thực hiện nhé.
4. Chăm sóc lốp xe
Thay đổi bề mặt tiếp xúc đất của lốp xe: Nếu đứng yên một chỗ trong một thời gian dài, trọng lượng xe sẽ tập trung về một điểm, có nguy cơ làm lốp xe bị biến dạng. Lốp bị biến dạng có thể gây tiếng ồn và rung lắc khi xe chạy. Do vậy khi nổ máy, bạn di chuyển một chút để thay đổi vị trí tiếp xúc mặt đất của bánh xe.
Bơm áp suất lốp cao hơn bình thường: Và để tránh tình trạng bánh xe bị đè nén về 1 điểm gây biến dạng, bạn có thể bơm áp suất lốp cao hơn bình thường một chút (khoảng 3,0 bar/300 kpa). Khi sử dụng xe lại, bạn nhớ chỉnh áp suất lốp về đúng giá trị tiêu chuẩn.
5. Cẩn thận với chuột
Việc đỗ ở nhà xe lâu ngày cũng có nguy cơ có chuột cắn phá dây điện, phá hoại thiết bị trong khoang động cơ. Để hạn chế điều này, hãy sử dụng các túi long não hoặc xịt các chai dùng để chống chuột vào những khu vực quan trọng bạn nhé.
6. Vệ sinh xe bên ngoài và bên trong sạch sẽ
Việc rửa xe sạch sẽ giúp loại bỏ các chất bẩn bám lên bề mặt sơn và thân, tránh gây hư hỏng bề mặt sơn, thân và gầm xe. Bạn nên bỏ hết những thứ không cần thiết, các vật có nguy cơ gây cháy nổ như bật lửa, lon nước, pin sạc… ra khỏi xe.
Đồng thời, nên rút các trang thiết bị điện tử gắn thêm trên xe như camera hành trình, bộ sạc điện thoại để giảm thiếu khả năng gây cháy nổ.
7. Chăm sóc nội thất
Vô lăng, nút khởi động, nút bấm cửa sổ,... là những khu vực được chạm, sờ nắm nhiều nhất khi sử dụng xe nên sẽ bám dính nhiều vi khuẩn, vết bẩn mà mắt thường không nhìn thấy. Vô tình đó là những tác nhân gây lây nhiễm trong quá trình sử dụng. Bạn hãy lưu ý khử trùng những khu vực này trước khi sử dụng lại xe.
Ngoài ra, hãy tránh để các vật dụng dễ cháy, nổ trong xe để đảm bảo an toàn.
8. Đổ đầy bình nhiên liệu
Nhiên liệu được đổ đầy sẽ giảm tối đa khoảng không trong thùng nhiên liệu, điều này giúp ngăn chặn tình trạng rỉ sét xuất hiện trong thùng nhiên liệu, đồng thời ngăn chặn cháy nổ do thùng nhiên liệu chứa đầy khí bốc hơi từ xăng.
Chăm sóc xe tốt sẽ giúp tăng độ bền cho các chi tiết đồng thời đảm bảo xe của bạn có thể khởi động hiệu quả mọi lúc.