Nhiên liệu cung cấp vào buồng xăng không đủ, đường dẫn khí xả bị trục trặc, hệ thống lọc gió gặp vấn đề,... là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xe không thể tăng tốc dù đã đạp ga. Hiểu rõ 9 nguyên nhân tác động giúp người dùng dễ dàng khắc phục tình trạng này và hạn chế rủi ro ngoài ý muốn khi tham gia giao thông.
Đường dẫn khí xả bị trục trặc
Đường dẫn khí xả thường được đặt dưới gầm xe, đóng vai trò xử lý khí thải nhằm giảm âm, bảo vệ xe và môi trường bên ngoài, giúp động cơ hoạt động tối ưu. Trong trường hợp đường dẫn bị tắc, khí thải từ động cơ sẽ không thể thoát ra ngoài mà bị giữ lại bên trong xe tạo ra áp lực dội ngược vào buồng cháy, gây tổn hao công suất của động cơ, nghiêm trọng nhất là xe chỉ khởi động được một lúc và chết máy ngay sau đó.
Nhiên liệu cấp vào buồng đốt không đủ để đáp ứng
Tình trạng xe ô tô không thể tăng tốc dù người lái đã đạp ga có thể do nhiên liệu cấp vào buồng đốt bị thiếu hụt, không đủ để động cơ vận hành.
Có hai nguyên nhân lý giải cho trường hợp này: Một là bầu lọc nhiên liệu trong động cơ xe hoặc lưới lọc trong thùng xăng bị tắc nghẽn; hai là hệ thống bơm yếu nên nhiên liệu không thể tiếp đủ vào bộ chế hòa khí. Người lái nên sử dụng dụng cụ đo áp suất, đối chiếu kết quả với tiêu chuẩn để kiểm tra tình trạng của hệ thống, cần kiểm tra và bảo dưỡng kịp thời nếu phụ tùng có dấu hiệu xuống cấp.
Hệ thống lọc gió động cơ có vấn đề
Không khí là nhân tố quan trọng trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Vì thế tất cả xe ô tô đều trang bị hệ thống lọc gió động cơ có tác dụng lọc sạch bụi bẩn trước khi dẫn không khí vào buồng đốt.
Trong quá trình sử dụng, lọc gió thường bị bám bụi, dẫn đến tắc nghẽn chiều lưu thông của không khí, làm lệch tỷ lệ hòa khí. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến động cơ ô tô bị quá nhiệt, xe không tăng tốc nhanh sau khi người điều khiển đạp ga và hao tốn nhiều nhiên liệu để vận hành.
Lọc xăng bẩn
Lọc xăng xe ô tô là phụ tùng có tác dụng lọc các cặn gỉ và tạp chất trước khi xăng đi qua hệ thống bơm, kim phun và buồng đốt. Toàn bộ quá trình này giúp cho việc hòa khí và đốt cháy nhiên liệu hiệu quả hơn, bảo vệ động cơ lâu dài.
Chính vì vai trò lọc tạp chất nên lọc xăng rất dễ dàng bị bẩn sau một thời gian sử dụng. Khi đó, nhiên liệu vào buồng đốt cháy chậm hơn, thậm chí không thể đi vào động cơ nếu chứa chất bẩn quá nhiều. Chủ xe cần thay thế bộ lọc phù hợp, đây là cách để duy trì khả năng vận hành của động cơ, hạn chế tình trạng xe ô tô không tăng tốc được dù đã đạp ga, xe bị giật và thậm chí tự động tắt máy khi đang di chuyển.
Lỗi dây curoa
Thiết bị này đóng vai trò dẫn động các bộ phận liên quan trong động cơ như trục cam, bơm trợ lực tay lái, bơm nước, lốc điều hòa,... Nếu dây curoa bị đứt hay hư hỏng, hệ thống truyền động của xe bị ảnh hưởng.
Lỗi bộ ly hợp
Đây là nguyên nhân phổ biến khiến cho xe ô tô không tăng tốc dù đã được đạp ga. Bộ ly hợp (hay côn xe) được thiết kế để nối trục khuỷu với hệ thống truyền lực. Hầu như tất cả các loại xe, không phân biệt số tự động hay số sàn đều cần thiết bị này.
Chính vì đóng vai trò quan trọng nên khi bộ ly hợp gặp trục trặc, bị mòn hoặc thiếu dầu bôi trơn, hệ thống truyền động sẽ không thể vận hành. Trong tình huống này, chủ xe cần đưa ô tô đến xưởng bảo dưỡng để kiểm tra và thay thế thiết bị trong thời gian sớm nhất.
Bộ điều khiển điện tử (ECU) gặp vấn đề
Bộ điều khiển động cơ ô tô (ECU) là đầu não quản lý toàn bộ hoạt động của xe, xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ để đảm bảo động cơ đạt hiệu suất tối ưu.
ECU tổng hợp nhiều cảm biến liên quan. Khi các cảm biến đầu vào cho kết quả không chính xác, ECU sẽ ra quyết định sai và tự động điều khiển giảm công suất động cơ, gây ra tình trạng tăng tốc chậm.
Cảm biến vị trí bướm ga (TPS) bị trục trặc
Cảm biến bướm ga và truyền dữ liệu về bộ điều khiển điện tử (ECU). Dựa trên tín hiệu này, ECU sẽ tự động tính mức độ tải của hệ thống, sau đó điều chỉnh thời lượng phun nhiên liệu cùng góc đánh lửa phù hợp. Các trường hợp hư hỏng điển hình như dây cảm biến bị đứt hay giắc cắm bị lỏng, cảm biến bám bụi bẩn nhiều,... đều gây ra tình trạng khó tăng tốc cho xe ô tô.
Bugi bị bám bẩn
Bugi trong động cơ xe ô tô tiếp xúc trực tiếp với buồng đốt nhiên liệu. Nếu không được bảo dưỡng kỹ càng, bugi sẽ bám nhiều bụi bẩn, ảnh hưởng đến quá trình khởi động và vận hành xe.