Các bộ phận trên xe ô tô dễ hư hỏng khi bị ngập nước
Hộp số
Bộ phận hộp số, đặc biệt là hộp số li hợp kép dễ bị ảnh hưởng khi xe ô tô bị ngập nước.
Có thể ngay lúc đó chưa hỏng ngay nhưng sau một thời gian sẽ han gỉ, bị kẹt khi vào số hay thậm chí hỏng cả hộp điều khiển.
Động cơ xe
Khi lái xe đi vào vùng ngập nước sâu thường xảy ra hiện tượng chết máy đột ngột. Khi cố khởi động lại xe, các piston đang đẩy lên để nén hỗn hợp khí nạp mà nước lại tràn vào sẽ tạo ra phản lực.
Khi ô tô bị chết máy do đi vào vùng nước ngập sâu, rất nhiều người sẽ cố gắng khởi động lại xe khiến nước tràn vào buồng đốt. Điều này dễ làm cong tay biên, thậm chí bị gãy tay biên khiến động cơ bị hư hại nghiêm trọng hơn.
Hệ thống điện
Đây là bộ phận rất dễ bị ảnh hưởng khi xe ô tô bị ngập nước. Xe càng ngập sâu và ngâm trong nước lâu thì hệ thống điện càng dễ bị hư hỏng.
Các vấn đề thường gặp khi hệ thống điện trên xe bị ngập nước gây ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử, bộ phận đèn chiếu sáng, âm thanh, điều hòa hay thậm chí chập điện, cháy nổ gây mất an toàn cho người trên xe.
Nội thất
Khi bị ngập nước, nội thất của xe ô tô thường bị ảnh hưởng rất nặng nề do nước tràn vào bên trong. Nội thất trên xe ô tô như ghế ngồi, thảm trải sàn thường được làm bằng các loại da, nỉ, mút đệm... nên khi bị ngâm trong nước sẽ rất nhanh bị hư hỏng, ẩm mốc.
Do đó, để hạn chế những hư hỏng nghiêm trọng, các chuyên gia khuyến cáo nếu xe ô tô bị chết máy khi đi vào vùng nước ngập thì tài xế không nên cố gẳng khởi động xe mà nên gọi ngay cứu hộ để kéo xe về trung tâm sửa chữa để kiểm tra.
Ô tô sau khi bị ngập nước cần được kiểm tra, bảo dưỡng kỹ để tránh những hư hỏng nghiêm trọng về sau. Nếu xe bị ngập sâu, nước tràn vào bên trong cần nhanh chóng vệ sinh, làm khô nội thất nhằm loại bỏ chất bẩn và các mùi khó chịu phát sinh.
Cách tránh để xe ô tô không bị hư hỏng nặng
Theo các chuyên gia về ô tô, trong trường hợp thấy đường ngập nước, an toàn nhất, tài xế không nên di chuyển qua mà hãy chọn lộ trình khác an toàn hơn nếu có thể.
Nếu muốn di chuyển qua đoạn đường ngập nước cần phải đánh giá tình hình một cách cẩn thận. Đối với các dòng xe gầm cao, việc đi qua đường ngập nước sẽ dễ dàng hơn xe gầm thấp. Tuy nhiên để an toàn, nếu chỗ ngập sâu nhất chỉ tới nửa bánh xe thì tài xế mới nghĩ tới việc đi qua.
Trong quá trình di chuyển qua đường ngập nước, tài xế cũng nên tắt điều hoà, đi bằng số thấp. Bên cạnh đó, cần giữ đều ga, không tăng hoặc giảm ga đột ngột. Ngoài ra, tài xế cũng cần tránh chạy cạnh xe lớn, hoặc gần xe ngược chiều vì các xe này có thể tạo sóng nước khiến nước dễ tràn vào khoang máy. Còn với xe máy, khi gặp đoạn đường ngập nước, người điều khiển nhớ luôn đi xe ở số 2 với xe số vì đi số 1 sẽ bị giật. Đối với xe tay ga luôn đi với mức ga tương đối lớn để tránh nước tràn vào pô xe và bộ phận quạt gió. Tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình, việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức.
Trong trong trường hợp ô tô bị ngập nước tốt nhất nên gọi cứu hộ. Nếu xe di chuyển vào đường ngập chết máy, hoặc bị ngập khi đang đỗ, tài xế không nên cố gắng đề nổ lại bởi sẽ dẫn tới thuỷ kích. Khi đó, chi phí sửa chữa cũng rất cao.
Trong trường hợp xe bị ngập sâu, ví dụ gần tới nóc, kể cả xe cứu hộ cũng sẽ phải tính toán trong việc tiếp cận. Đơn vị cứu hộ có thể sẽ phải có người di chuyển tới vị trí của xe, móc tời để kéo.