Nguyên nhân gây trầy, xước xe ô tô
Sơn xe là “bộ cánh” mang lại diện mạo sáng bóng và tính thẩm mỹ caocho ô tô. Mặc dù có cấu tạo 3 lớp (sơn lót, sơn màu và sơn bóng) nhưng thực tế, độ dày của sơn ô tô rất mỏng, chỉ được tính bằng đơn vị microns (µm) tương đương với một phần nghìn milimet. Vì vậy, sơn xe rất dễ bị tổn thương, ăn mòn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầy xước, phổ biến nhất là:
- Va chạm với phương tiện khác khi lưu thông
Trong quá trình tham gia giao thông, những va chạm nhỏ là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập. Thói quen lái xe chưa tốt, lấn làn, lạng lách đánh võng, vi phạm quy tắc vượt xe hay không đảm bảo khoảng cách an toàn khi di chuyển là những nguyên nhân gây ra va chạm khi lưu thông, nặng nề hơn là xảy ra tai nạn. Đặc biệt là ở những khu vực giao thông đông đúc như nội đô thì việc sơn xe ô tô bị trầy, xước chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Phần lớn các vụ va chạm dù nặng hay nhẹ đều để lại những vết xước nông sâu khác nhau. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, chủ xe có thể tốn rất nhiều chi phí để khắc phục hậu quả.
- Xác côn trùng bám vào cửa xe, nắp capo
Xác côn trùng tưởng như vô hại nhưng có thể làm hư hỏng lớp sơn xe ô tô. Trong cơ thể một số loài côn trùng, đặc biệt là phân chim, chứa hàm lượng axit uric, axit photphoric, muối nitrat, kali cacbonat cao, khi tiếp xúc với bề mặt xe sẽ tạo ra các phản ứng hóa học ăn mòn lớp sơn. Ngoài ra, khi xác côn trùng bám trên xe lâu ngày sẽ bị khô, cứng, khó để lau chùi, loại bỏ, nếu tác động lực quá mạnh có thể làm xước sơn xe.
- Đá dăm
Chạy xe ở tốc độ cao và di chuyển liên tục trên những cung đường có nhiều đá dăm có thể khiến sỏi, đá bật lên và va chạm vào thân xe. Những góc sắc, cạnh của chúng làm bong tróc lớp sơn bề mặt, thậm chí ảnh hưởng tới lớp sơn lót trong cùng, tạo ra những vết trầy xước gây mất thẩm mỹ.
- Khói bụi
Không chỉ là tác nhân gây hại cho sức khỏe con người, khói bụi còn tạo thành lớp tro, muội bám trên bề mặt xe. Hơn nữa, trong khói bụi chứa chất kiềm ở nồng độ cao như canxi, magie có thể làm hư hỏng bề mặt sơn nếu không được vệ sinh kịp thời.
Các kiểu sơn xe ô tô
Có 2 kiểu sơn xe ô tô: sơn dặm và sơn lại toàn bộ xe.
Sơn dặm
Sơn dặm ô tô (hay còn gọi sơn vá) là sơn một khu vực, một bộ phận, một vị trí cụ thể nào đó trên xe ô tô, không phải sơn toàn bộ xe. Kỹ thuật này thường dùng để khắc phục các vết trầy xước nhỏ, nhẹ hay các vết trầy xước chỉ tập trung trong một khu vực, một bộ phận trên xe.
Ưu điểm của sơn dặm là chi phí rẻ hơn nhiều so với sơn lại toàn bộ xe. Thời gian sơn cũng ít hơn, chỉ tầm 1 – 2 ngày.
Tuy nhiên sơn dặm xe hơi lại đòi hỏi độ khó rất cao ở công đoạn pha màu và phun sơn. Bởi pha màu và phun sơn làm sao để vùng sơn mới tương đồng, hài hoà nhất với lớp sơn cũ xung quanh không phải là việc dễ dàng. Công đoạn này đòi hỏi thợ không chỉ thành thạo mà phải phải có kỹ thuật cao, nhiều kinh nghiệm.
Trong các kiểu sơn dặm, sơn dặm xử lý các vết xước nhỏ trên toàn bộ thân xe là khó nhất. Bởi dù vết xước nhỏ nhưng lại trải đều nên nếu pha màu và phun sơn không đúng kỹ thuật sẽ khiến sơn xe không đều màu, bị lốm đốm.
Sơn toàn bộ ô tô
Sơn toàn bộ ô tô là mài bốc toàn bộ lớp sơn cũ sau đó sơn chống gỉ và sơn mới lại bằng 4 lớp chuẩn: sơn chống gỉ, sơn lót, sơn chính và sơn bóng. Có hai cách sơn toàn bộ ô tô là sơn ngoài và sơn toàn diện khung.
Sơn ngoài là chỉ sơn phần vỏ ngoài xe, những vị trí có thể thấy được. Còn sơn toàn diện là cách sơn giống như nhà sản xuất làm, sơn toàn bộ khung xe và vỏ xe cả phần thấy được và phần khuất bên trong.
Để sơn toàn diện, cần phải tháo hết tất cả máy móc, nội thất xe để thấy rõ được toàn bộ khung và thân vỏ xe. Khi sơn lại xe ô tô, hiếm khi áp dụng cách này bởi quy trình thực hiện rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, mất nhiều thời gian nhưng quan trọng cũng không thực sự cần thiết nếu thân vỏ xe không bị hư hại nghiêm trọng.
Người ta thường chọn cách sơn lại toàn bộ xe ô tô khi xe bị trầy xước ở thể nặng và phân bố nhiều vị trí, sơn xe nhiều năm bị bạc màu, bong tróc hay khi muốn đổi màu sơn xe.
Giá sơn lại toàn bộ xe ô tô khá cao. Thời gian thực hiện cũng lâu, có thể kéo dài từ 5 – 15 ngày.