Cảm biến tốc độ ôtô là gì?
Cảm biến tốc độ ôtô là một bộ phận nằm trong hệ thống phanh điện tử, có chức năng đo tốc độ di chuyển của phương tiện. Khi tốc độ của xe đột ngột thay đổi, người điều khiển vẫn có thể kiểm soát được hướng lái.
Theo đó, cảm biến tốc độ giúp phòng chống sự hãm cứng phanh bánh xe ôtô trong trường hợp xe ôtô cần giảm tốc độ đột ngột.
Nguyên lý hoạt động cảm biến tốc độ ôtô
Hệ thống cảm biến tốc độ ôtô hoạt động dựa trên nguyên lý cảm ứng từ. Bộ phận có cấu tạo nam châm liên kết với bánh răng kim loại. Do đó, khi bánh xe quay, phần bánh răng này sẽ chuyển động theo.
Lúc này, các răng trượt qua nam châm sẽ tạo nên dòng điện xoay chiều, được hiểu là tín hiệu điện. Sau đó, các tín hiệu sẽ được báo thông qua số lượng xung, truyền vào bộ mạch cảm biến tốc độ và tính toán vận tốc của xe. Đây chính là nguyên lý hoạt động của cảm biến tốc độ.
Các loại cảm biến tốc độ ôtô
Hiện nay, thị trường có hai loại cảm biến chính được trang bị để đo tốc độ ôtô gồm:
Cảm biến hở
Cảm biến hở có cấu tạo gồm: vòng kim loại và đầu đọc tách rời.
Điểm hạn chế của cảm biến này là dễ bị bám bụi, cát hoặc các mảnh kim loại. Điều này gây nên những tác động xấu cho quá trình hoạt động của hệ thống, cụ thể là làm biến đổi dòng cảm ứng thu được.
Cảm biến kín
Cảm biến kín có thiết kế gồm: nam châm và bánh răng kim loại khít với nhau. Điều này khắc phục được tình trạng bụi bẩn bám vào. Vì vậy, loại cảm biến này ít phải bảo dưỡng, lau chùi và giúp phương tiện hoạt động ổn định và hiệu quả.
Hiện nay, mỗi dòng ôtô sẽ trang bị một loại cảm biến tốc độ khác nhau. Bạn có thể mở hệ thống phanh và tìm kiếm ở mặt sau để xác định.