Không bật đèn xi nhan xe máy
Đa phần người dân chỉ bật đèn báo rẽ khi cho phương tiện rẽ trái, việc quên bật đèn báo rẽ phải không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn vi phạm pháp luật. Không ít người còn thay đổi kích thước đèn báo rẽ nhỏ hơn với mục đích trang trí. Cần chú ý việc độ chế này cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Mắc lỗi không bật đèn báo rẽ khi chuyển hướng, người điều khiển bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng. Mức phạt này cũng được áp dụng đối với người điều khiển xe máy điện.
Dừng đèn đỏ quá vạch quy định
Đây được xem là lỗi xảy ra cực kỳ phổ biến tại những khu vực đông đúc như TP.HCM hay TP Hà Nội. Tại đây người dân thường cố chen lên phía trên khi dừng đèn đỏ, thậm chí lấn san làn ngược chiều để dừng với mong muốn mình là người đi trước khi đèn xanh. Kiểu dừng đèn đỏ này gây không ít khó khăn với các phương tiện khác đang di chuyển cắt ngang qua.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt của lỗi không chấp hành hiệu lệnh của vạch kẻ đường là 100.000-200.000 đồng đối với xe máy. Do đó, bạn nên tập thói quen kiên nhẫn, xếp hàng chờ đợi khi dừng đèn đỏ.
Di chuyển sai làn đường
Những người lái xe ôtô thường rất quan tâm đến các biển báo chỉ dẫn, hiệu lệnh. Trong khi đó, người lái xe máy lại tỏ ra thờ ơ với các biển báo này. Hiện tại ở một số tuyến đường, xe máy được phép di chuyển vào làn đường ôtô trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp người dân điều khiển xe máy vào làn đường ôtô ở những thời điểm không được phép.
Hành vi vi phạm này bị phạt 400.000-600.000 đồng, người vi phạm cũng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. Nếu di chuyển sai làn đường gây tai nạn giao thông, mức phạt sẽ tăng lên 6-8 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.
Đeo tai nghe khi lái xe
Đa phần lỗi này thường dễ bắt gặp ở các tài xế xe công nghệ, học sinh, sinh viên. Lưu ý, dù chỉ đeo tai nghe mà không sử dụng, người lái cũng đã vi phạm việc sử dụng thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi đang điều khiển phương tiện.
Mức xử phạt của lỗi này đối với người điều khiển xe máy là từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Không trang bị gương chiếu hậu bên trái
Gương chiếu hậu được xem là trang bị bắt buộc phải có trên các phương tiện cơ giới giúp người điều khiển có thể quan sát được 2 bên cũng như phía sau. Hiện nay có khá nhiều xe máy lưu thông trên đường không lắp gương hoặc sử dụng gương không đạt chuẩn
Theo quy định, gương chiếu hậu đạt chuẩn phải có khả năng điều chỉnh vùng quan sát, diện tích của bề mặt phản xạ hình ảnh từ 69 cm2 trở lên. Khi sử dụng gương không đạt chuẩn hoặc không lắp gương bên trái, người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng.