1. Thắt dây an toàn
Dù trẻ ngồi ghế riêng hay có thể ngồi cùng ghế người lớn thì phụ huynh cũng phải tập thói quen thắt dây an toàn cho trẻ. Đây là hành động cơ bản, bắt buộc đầu tiên để hình thành thói quen cho trẻ khi bước vào xe hơi.
2. Cần có ghế riêng
Hầu hết người Việt chưa chú ý đến điều này. Ghế trên ô tô được thiết kế dành cho người lớn, do đó tầm vóc của trẻ sẽ lọt thỏm trong lòng ghế, khiến trẻ dễ bị dịch chuyển, lắc lư và dây an toàn không thể thắt gọn.
Do đó, theo các chuyên gia, tùy vào thể hình phát triển của trẻ, nhưng trẻ em khoảng 12 tuổi trở xuống nên có ghế riêng, cài đặt thêm. Những ghế này với hệ thống dây an toàn riêng sẽ thắt gọn gàng vào người trẻ, đảm bảo an toàn và không khiến trẻ bị xê dịch khi xe chạy qua đường xấu, vào cua.
3. Khóa cố định các cửa
Tính tò mò của trẻ khiến các bé có thể thử mở bất cứ thứ gì trong tầm tay, tầm mắt. Do đó, các tài xế là phụ huynh khi lên xe cần chắc chắn các cửa đã khóa an toàn trước khi cho xe lăn bánh. Nếu cẩn thận hơn, có thể khóa cố định cửa từ bên trong ở chế độ khóa trẻ em.
4. Không để trẻ ngồi hàng ghế trước, ở bậu tỳ tay
Nhiều gia đình do nuông chiều con hoặc để có cảm giác bố mẹ gần gũi con cái, nên thường để trẻ ngồi cùng ở hàng ghế trước hoặc ngồi ngay trên bậu tỳ tay giữa xe. Đây là những vị trí rất nguy hiểu nếu chẳng may phanh gấp, quán tính khiến trẻ lao vào kính lái hoặc bảng tap-lô.
Ngoài ra, để trẻ ngồi vào lòng khi lái xe cũng là điều cần tránh. Nhà sản xuất có khuyến cáo, túi khí bung có thể gây sát thương lớn cho trẻ. Vị trí thích hợp nhất cho trẻ em là ở hàng ghế sau, ghế ngồi riêng của trẻ nên đặt so cho mắt trẻ có thể quan sát không gian bên ngoài để tránh mệt mỏi, say xe.
5. Không để trẻ chơi đùa trên xe
Trẻ em chơi đùa trên xe thường bị cuốn theo trò chơi, không làm chủ được hành động, không thể ngồi yên tại chỗ, nên dễ bị ngã va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh, đổi hướng.
6. Không để đồ nguy hiểm gần tầm tay trẻ
Các vật gây sát thương như dao kéo, vật dụng tạo lửa như bật lửa, diêm hay các vật dụng xịt tạo khí như nước hoa… cần cất cẩn thận vào hộc có khóa nếu cần mang theo trên xe. Những vật dụng trên sẽ gây tổn thương cho trẻ như cứa vào tay, xịt nước hoa vào mắt, miệng hay bật lửa đốt cháy quần áo.
7. Che nắng cho trẻ
Vào những ngày hè, ngồi trong xe dù có điều hòa không nóng nhưng ánh nắng mặt trời chiếu vào da trẻ qua lớp cửa kính rất nguy hiểm cho làn da non. Vì thế, nên có rèm hoặc những tấm che cửa sổ để sử dụng vào ngày trời nắng.
8. Dừng nghỉ thường xuyên, hành trình hợp lý
Trước mỗi hành trình dài, phụ huynh nên lên lịch trình phù hợp, có nhiều điểm dừng đỗ để trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành, chạy nhảy tái tạo năng lượng cho cơ thể. Trẻ em cũng không thể chịu đựng tốt như người lớn nếu muốn đi vệ sinh. Nếu trẻ đã biết đi, khi nghỉ giữa đường hạn chế bế ẵm mà để bé tự đi lại, vận động cơ thể cho tỉnh táo.
9. Luôn khóa cửa mỗi khi ra khỏi xe
Nguyên tắc an toàn là tài xế phải là người ra ngoài cuối cùng, bấm khóa, chốt tất cả các cửa, cốp xe và giữ chìa khóa. Không đưa chìa khóa cho trẻ chơi hoặc để cửa mở, các bé có thể leo lên xe, đóng kín cửa, khi đó bố mẹ quên không để ý tới, trẻ rất dễ bị ngất do ngạt khí.
10. Chuẩn bị đủ vật dụng chăm sóc trẻ
Đồ chơi, đồ ăn vặt, nước uống, đồ vệ sinh cá nhân là những thứ không thể thiếu khi cho trẻ đi ôtô đường dài. Sự hiếu động của trẻ có thể được loại bỏ bằng cách ăn vặt, chơi đồ chơi hoặc xem phim, video trên các thiết bị di động. Tuy nhiên, như những lý do phía trên, những thiết bị này không nên cho trẻ dùng quá lâu vì ảnh hưởng tới thị lực, thần kinh cũng như sự tập trung, ổn định của trẻ.
11. Không để trẻ ở một mình trên xe
Điều tối kỵ không được mắc phải là để trẻ em một mình trên xe. Trẻ có thể đạp nhầm ga, gạt cần số khiến xe di chuyển ra đường, lao xuống vực…Ngoài ra, trẻ cứ ở lỳ trong xe mà không bật điều hòa hoặc ngủ quên thời gian lâu sẽ dẫn đến ngộ độc khí CO gây tử vong.
12. Luôn để mắt đến trẻ
Cách tốt nhất khi cho trẻ đi ôtô là để trẻ ngồi trên ghế riêng cài đặt thêm ở hàng ghế sau, thắt dây an toàn, phụ huynh lái xe kể chuyện, pha trò hoặc thực hiện những giao tiếp vui vẻ thu hút sự chú ý của trẻ, hoặc đưa trẻ vào giấc ngủ nếu hành trình dài.
Dù trẻ đã ngủ hay còn thức, tài xế nên chủ động liếc kính hoặc quay đầu lại nhìn (với điều kiện đảm bảo an toàn khi lái xe) xem phản ứng của bé như buồn ngủ hay muốn đi vệ sinh, tuột dây an toàn…
Lưu ý: Tốt nhất là bạn hãy để một người ngồi cùng trẻ như vậy sẽ an toàn hơn, trong các trường hợp bắt buộc thì bạn hãy lưu ý những điều ở trên.