1. Mục đích sử dụng
Trên thị trường hiện có rất nhiều dòng xe khác nhau: sedan, hatchback, coupe, đa dụng (MPV), thể thao việt dã (SUV), bán tải (pick-up), xe “xanh”…, nên trước tiên, bạn cần xác định nhu cầu sử dụng và túi tiền của cá nhân và gia đình để đưa ra lựa chọn chính xác.
Nếu bạn cần một chiếc xe linh hoạt, đa dụng và có thể xuất hiện thật “hầm hố” trước mọi người, hãy chọn dòng SUV. Nếu bạn muốn có một chiếc xe thực dụng, có cốp sau, thì dòng sedan là một gợi ý tuyệt vời.
Nếu bạn thích loại xe nhỏ nhưng thể thao, dòng hatchback hoặc coupe là lựa chọn phù hợp. Nếu bạn là người mê offroad, còn chần chừ gì mà không chọn xe hai cầu (4×4) – SUV hoặc bán tải… Cũng đừng vì sở thích cá nhân mà quên đi mục đích sử dụng thực tế. Ví dụ, bạn thường xuyên cùng gia đình về quê, hay đi du lịch thì nên mua một chiếc MPV hay SUV, thay vì một chiếc xe nhỏ hoặc sedan chỉ chở được tối đa 4 người.
2. Mức tiêu hao nhiên liệu
Nhiên liệu chiếm một phần khá lớn trong tổng chi phí “nuôi” xe, nên bạn cần tìm hiểu kỹ mức tiêu hao nhiên liệu mà hãng công bố và số liệu thực tế (kết quả chạy thử, tham khảo ý kiến của những người đã dùng xe…). Nhìn chung, loại xe thể thao động cơ khoẻ, tăng tốc nhanh hoặc xe cồng kềnh sẽ hao xăng hơn loại sedan hoặc hatchback gia đình.
3. Giá xe
Có lẽ đây là tiêu chí được nhiều người nghĩ tới và cân nhắc trước khi quyết định mua một chiếc xe ôtô chính là giá cả. Mua một chiếc xe với tầm tiền nào phù thuộc vào điều kiện tài chính của bạn.
Nhiều cuộc khảo sát về yếu tố quyết định đi đến mua xe của người tiêu dùng đều nhắc đến giá cả đầu tiên. Thực tế, bạn nên mua những chiếc xe ở tầm tiền mà mình đang có, ví dụ khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng, 600 đến 800 triệu hay từ 800 đến 1 tỷ đồng.
4. Vấn đề an toàn
Bạn mua ôtô vì muốn được di chuyển một cách an toàn và tiện nghi. Do đó, không thể bỏ qua các vấn đề an toàn khi mua xe. Lời giới thiệu của các nhân viên bán xe rõ ràng khó có tính thuyết phục, bởi tất nhiên họ muốn bán được xe thì phải quảng cáo. Bạn nên tham khảo bảng đánh giá, xếp hạng an toàn của các tổ chức độc lập uy tín, như Hiệp hội đánh giá an toàn xe mới (NCAP) của châu Âu, Viện bảo hiểm an toàn giao thông (IIHS) của Mỹ, hay tạp chí Consumer Reports.
5. Chế độ bảo hành
Mỗi hãng xe đều có chế độ bảo hành bảo dưỡng khác nhau. Khi cần sửa chữa bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa các hãng. Bạn nên tham khảo kỹ về dịch vụ, cơ sở vật chất, chế độ bảo hành có tiện lợi và tốt không của hãng xe mà mình định mua.
6. Thương hiệu
Quyết định mua xe của thương hiệu nào là một quyết định khó khăn. Các thương hiệu mới hoặc không “nổi như cồn” thường sẽ quyến rũ bạn ở giá bán hấp dẫn. Bạn cần cực kỳ tỉnh táo trước sự mời gọi này. Lựa chọn an toàn nhất vẫn là xe của những thương hiệu có bề dày và có uy tín trên thị trường.
Thương hiệu có vai trò quyết định cho “giá trị bán lại” của chiếc xe. Một chiếc xe thuộc thương hiệu nổi tiếng hoặc được ưa chuộng trên thị trường sẽ dễ bán hơn và giữ giá khi bạn có nhu cầu đổi xe.
7. Chọn màu xe
Vấn đề màu sắc đôi khi không chỉ đơn giản là chọn màu bạn thích nhất trong bảng màu của hãng xe. Màu sắc có vai trò không nhỏ quyết định xe bạn có dễ sang nhượng không. Những màu phổ biến như bạc/ghi, đen và trắng sẽ dễ bán và bán được giá hơn.