Trong những năm đầu của chiếc xe, khi thời hạn bảo hành còn hiệu lực, chi phí bảo dưỡng định kỳ không quá đáng lo, vì chiếc xe hoàn toàn được hưởng chế độ bảo hành của hãng.
Khi chiếc xe còn mới, chỉ chính hãng mới nắm được các quy trình về sửa chữa bảo dưỡng, cũng như các thiết bị chuẩn đoán chính xác, điều mà các gara ngoài không có.
Để có giá thành sửa xe rẻ hơn, các gara có thể sử dụng các phụ tùng với độ bền kém hơn (“fake” hoặc do các hãng sản xuất kém chất lượng hơn), điều này dẫn đến chủ xe sẽ phải thay lần nữa sau thời gian ngắn.
Một ví dụ điển hình là bộ giảm xóc chính hãng sẽ sống sót 3-4 năm, trong khi đó đồ mua ngoài “chợ Giời” trông đẹp như thế chỉ đạt tuổi thọ chưa được một nửa.
Thực tế hài hước là đối với các model xe mới sản xuất gần đây, các gara ngoài có thể nói là có rất ít hoặc thậm chí không có kinh nghiệm trong việc sửa chữa bảo dưỡng. Và nếu chủ xe tìm đến họ trong giai đoạn này, chẳng phải là đang bỏ tiền của mình ra để cho họ học sửa chữa?
Thường thì trong những năm bảo hành còn hiệu lực, khách hàng luôn gắn bó với chính hãng trong việc sửa chữa và tiện thể làm luôn cả bảo dưỡng. Tuy nhiên, sau thời gian 3-5 năm “mặn nồng” đó, khi đã hiểu về xe hơn và không còn bảo hành miễn phí nữa thì các chủ xe sẽ có xu hướng chuyển dần ra các gara ngoài để có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, đây đúng là giai đoạn thu thập kinh nghiệm sửa xe của gara, vì trước đó họ cũng chưa có nhiều cơ hội để tham khảo.
Cuối cùng, thật sự mà nói, đi cùng hãng thì chất lượng luôn luôn đứng đầu chẳng cần bàn cãi, còn về gara bên ngoài thì điều này cần nên cân nhắc một chút.