Theo Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008: "Người tham gia giao thông phải đi theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, đúng phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ".
Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định cụ thể về việc sử dụng làn đường như sau:
- Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
- Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.
Tại QCVN41: 2012/BGTVT, Phụ lục E ban hành kèm Thông tư 17/2012/TT-BGTVT quy định: Để chỉ dẫn cho người lái xe biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe riêng biệt, phải đặt biển số 421 (a,b,c,d) “làn đường dành riêng cho từng loại xe”.
Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện cần quy định mà bố trí biển cho phù hợp. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).
Như vậy theo các quy định nêu trên, trong trường hợp có phân làn xe khách, làn xe ô tô con, thì tài xế phải tuân thủ đúng quy định, xe ô tô con không được đi vào làn đường có đặt biển ký hiệu dành riêng cho từng loại xe khác, trừ trường hợp là các xe được quyền ưu tiên.
Điểm c Khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; đối với người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong 1 tháng.