Cụ thể, trong bản góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Bộ này cho rằng: "Ý kiến này vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết".
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ, cơ quan này có đưa đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020 và chính sách ưu đãi về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình đây là kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Cho nên Bộ này đề nghị Bộ Công Thương rà soát, bảo đảm kiến nghị này không vi phạm các cam kết của Việt Nam về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế.
Tuy nhiên thông tin này không khiến giới kinh doanh ô tô quá bất ngờ hay thậm chí là thất vọng. Bởi trước đó, khi biết có việc đề xuất giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước, giới buôn xe đã không mặn mà và không kỳ vọng nhiều.
Theo Báo cáo mới nhất của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sản lượng sản xuất ô tô quý I giảm trên 10% so với cùng kỳ, còn lượng hàng bán ra thấp khiến tồn kho ôtô tăng đáng kể. Cụ thể, với xe lắp ráp, lượng tồn kho trong quý I/2020 tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, xe nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với năm ngoái.
Như vậy nếu muốn giải quyết hàng tồn, buộc giá xe phải giảm, bằng cách trực tiếp hay gián tiếp như ưu đãi phí trước bạ, tặng phụ kiện.