Trước đây tôi vẫn nghĩ quà cáp, vật chất có thể giúp phụ nữ vui trong những ngày lễ trọng đại, nên tôi mất khá nhiều thời gian đi tìm và mua những thứ có giá trị để tặng cho vợ mình. Nhưng đời thì không đơn giản như vậy, tôi nhầm hết lần này đến lần khác, bởi quà có to đến mấy thì ngay ngày hôm sau cô ấy lại muốn những thứ to hơn thế, có bao nhiêu vật chất trên đời này cũng đều không đủ, phụ nữ vốn là như vậy mà. Nói vui vậy thôi, chứ năm nay, tôi và hai thằng con có ý tưởng khác.
Ba bố con quyết định một kế hoạch táo bạo và bất ngờ hơn, chúng tôi dành một ngày trọn vẹn cho cô ấy, không tiếng trẻ con, không hình ảnh luộm thuộm của lão chồng, không há mồm ngồi chờ cơm như những bữa tối bình thường khác, nhất là những chuyện khiến mệt mỏi như cơm áo, nội trợ gia đình và quát mắng chồng con.
Chúng tôi sẽ đi chơi xa, chính xác là tôi dành phần khó khăn nhất là chăm sóc hai con, để vợ có một ngày thảnh thơi rong chơi với các bạn của cô ấy, đi làm đẹp, shoping hoặc làm bất cứ điều gì cô ấy thích mà không phải bận tâm đế chồng con, bởi lúc người phụ nữ hạnh phúc nhất, chính là lúc họ không phải chịu đựng thêm gánh nặng nào cả.
Tôi vẫn nghĩ, với thiên chức làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ nào cũng luôn hướng tới việc chăm lo chu toàn cho chồng con trước tiên, đó có lẽ là nỗi khổ về sinh học do tạo hóa đã gắn vào họ từ khi sinh ra. Vợ tôi cũng là người như vậy, ít khi nào tôi thấy cô ấy được thảnh thơi, thư giãn thực sự. Sau mỗi ngày làm việc, về nhà với tâm trạng không tốt do một tỉ thứ trên trời rơi xuống, rồi lại phải nấu cơm, chăm sóc con cái học hành đã chiếm toàn bộ thời gian một ngày của cô ấy. Chính cái suy nghĩ “nếu thiếu mình, bố con nó sẽ chả biết làm gì “, khiến cho phụ nữ đã khổ lại ngày càng thêm khổ.
Bọn nhóc vốn được chăm lo đến tận răng, nhiều khi chúng nó ỉ lại và mắc bệnh lười, không có mẹ bên cạnh, khỏi làm nũng và trông chờ sự giúp đỡ, việc phải thỏa hiệp với một ông bố rắn như đá sẽ khiến cho chúng nó học được cách tự lập, chăm sóc cho nhau, chơi với nhau và chia sẻ công việc với bố.
Trước đây chúng tôi cũng thi thoảng đi dã ngoại, nhưng hầu hết các trải nghiệm chỉ gói gọn trong ngày và loanh quanh thành phố chứ chưa thực sự hướng tới những chuyến đi xa mang tính khám phá. Ba bố con tham gia vào một hành trình thực sự, nó vắt kiệt sức lực, nhưng xứng đáng đến từng giọt mồ hôi sau mỗi cánh tay chèo mà ba bố con kết hợp khi tham quan Vịnh Lan Hạ.
Khung cảnh thần tiên, bầu trời xanh trong vắt in bóng xuống mặt nước của vịnh, bọn nhóc thích thú với làn nước mát mang hương vị mặn mòi của biển, thật khó có thời điểm nào thích hợp hơn. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi đưa bọn nhóc đến Vịnh Lan Hạ, đó là một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất trên thế giới, ngoài khám phá vẻ đẹp tự nhiên đó, chúng nó cần phải học được cách bảo tồn để gìn giữ cho những nơi đó trường tồn với thời gian.
Lịch trình được lên ý tưởng qua sự góp ý của một số bạn bè, tôi sử dụng chiếc xe Ford Ranger Raptor để có thể đến được bất cứ nơi nào mình thích. Đảo Cát Bà là nơi như vậy, với địa thế đẹp có núi, có biển lại có cả rừng, một nơi quá lý tưởng để cắm trại, nấu ăn trên bãi biển với các con. Những hoạt động thú vị như vậy sẽ giúp cho bọn nhóc hoàn thiện được các kỹ năng ngoài trời cũng như phát triển những giác quan của chúng. Bơi thuyền Kayak là hoạt động tốn nhiều calor, nó sẽ vắt kiệt sức của ba bố con trong khi ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Vịnh. Chúng tôi không xa lạ gì với nhà hàng, các quán ăn cao cấp, việc ra thiên nhiên, cắm trại và nấu ăn mới thực sự mang lại nhiều cảm xúc hơn là ngồi trong nhà hàng để thưởng thức đồ ăn được làm sẵn.
Chúng tôi ra chợ, mua hải sản để nấu súp trên bờ biển, món súp hải sản cay xé lưỡi nhưng lại vô cùng hấp dẫn, ngoài ra chúng tôi có cả món steak nướng tuyệt hảo để nạp lại năng lượng và sẵn sàng cho những hoạt động tiếp theo.
Bọn nhóc rất hiếu động, khi ở nhà, chúng đánh nhau, cãi nhau và tranh dành đồ chơi suốt, nhưng trước khi đi chơi, chúng tôi có giao ước với nhau về những quy tắc hành xử cơ bản ở nơi xa, nhất là lại ở địa điểm không phải nhà mình để tránh ảnh hưởng tới người xung quanh và để chuyến đi chơi đạt hiệu quả cao.
May mắn là chúng nó kết hợp không đến nỗi tệ, giúp cho chuyến đi lần này khá thành công. Tự tắm, tự ăn, tự nấu, sắp xếp đồ đạc và đặc biệt là giữ gìn cho những điểm đến luôn sạch không để lại rác khi tàn cuộc chơi.
Cảm giác hơi buồn vì không có mẹ tham gia cùng, nhưng trong hành trình chỉ có 3 bố con, chúng nó lại nhận ra, không có mẹ, có vẻ như mọi thứ lại tốt hơn. Sau chuyến đi này cảm nhận là tích cực, chúng nó được tự do khám phá những thứ chúng nó thích mà không phải nghe những lời càm ràm từ mẹ, ví dụ đi chân đất, nghịch bẩn, ăn muộn, ngủ muộn… đó là những điều bọn trẻ con thích mà chả bao giờ được thực hiện khi ở thành phố.
Tôi gửi vài bức hình của 3 bố con về cho vợ, cô ấy yên tâm và tin tưởng 3 bố con có thể chăm sóc cho nhau mà không có mẹ bên cạnh. Đó có lẽ là món quà lớn nhất mà phụ nữ mong muốn từ phía người bạn đời của mình, chứ không hoàn toàn là những thứ vật chất phù phiếm sau ngần đấy năm bên nhau.
Tác giả Chef Hungazit
Chef Hungazit là một đầu bếp chuyên nghiệp, từng đảm nhận các vị trí tại khách sạn 5 sao JW Marriott, nhà hàng French Grill, khách sạn 5 sao Sheraton Hà Nội hay Hanoi Cooking Centre - một trong 25 trung tâm đào tạo ẩm thực uy tín thế giới. Anh cũng là tác giả của những cuốn sách Trái tim của Chef, Chef - Đầu bếp chuyên nghiệp, Cỗ nhà nông.
Bên cạnh vốn kiến thức đáng nể về ẩm thực, Chef Hungazit còn có trải nghiệm sống phong phú với việc chụp ảnh, quay phim, du lịch khám phá,… Tất cả những điều này đã góp phần tạo nên một người cha mẫu mực với vốn sống dày dạn để mang lại cho con trẻ thế giới quan phong phú.
Bài: Chef Hungazit, Ảnh: Khánh Bảo