Nồng độ cồn cho phép khi lái xe hiện nay
Từ ngày 01/01/2020, Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại rượu, bia do Quốc hội ban hành đã chính thức có hiệu lực, quy định hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm người điều khiển phương tiện giao thông tuyệt đối không được điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều này có nghĩa là nồng độ cồn cho phép khi lái xe bắt đầu từ năm 2020 sẽ ở mức 0mg/100ml máu. Theo tư vấn pháp luật xe ô tô, quy định mới của Quốc hội và Bộ GTVT được đánh giá là rất cần thiết trong việc kiên quyết giảm thiểu tai nạn giao thông gây ra do tài xế uống bia, rượu.
Nồng độ cồn trong máu khi lái xe vượt mức cho phép bị phạt bao nhiêu?
Từ năm 2020, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, bao gồm quy định siết chặt xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều 5, khoản 6, 8, 10 quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng,
8. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Điều 6. Xử phạt người Điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
g) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ;
- Phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.