Theo đó, Việt Nam là sẽ là chặng đua đường phố thứ 4 của F1 sau Monaco, Singapore và Azerbaijan. Đây cũng là chặng đua thứ 4 tại châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Độ dài 1 vòng đua F1 tại Việt Nam là 5,565 km với 22 khúc cua đã được nhóm Motorsports của F1 và công ty thiết kế đường đua nổi tiếng Tilke phối hợp để tạo ra một đường đua hỗn hợp cả đường phố lẫn xây dựng.
Đường đua F1 nổi tiếng với những khúc cua đầy thử thách đòi hỏi các tay đua phải tập trung cao độ trong quá trình thi đấu và đây cũng là nơi vẻ đẹp của môn thể thao “triệu đô” này được thể hiện. Đó là những gì các nhà thiết kế F1 đã làm tại Circuit of The Americas, Grand Prix tại Mỹ. Từ Maggotts-Becketts-Chapel tại Silverstone cho tới Turn 8 tại Istanbul và rất nhiều đường đua F1 khác nữa.
Điều này cũng sẽ được áp dụng cho đường đua mới tại Việt Nam, nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Mục đích thiết kế tại đây là tạo ra một đường đua hỗn hợp độc đáo, kết hợp giữa các khu vực đường phố với các khu vực lân cận trong phạm vi cho phép để tạo ra 1 vòng đua và học hỏi một số đường đua nổi tiếng trên thế giới.
Cụ thể, theo thiết kế đường đua F1 ở Việt Nam, khúc cua số 1 và số 2 được dựa trên các khúc cua tại trường đua Nurburgring của Đức. Trong khi đó, khúc cua thứ 12 đến 15 được lấy cảm hứng từ một phần của đường đua Monaco nổi tiếng, từ khúc cua thứ 1 chạy lên đồi Massenet.
Từ khúc cua 16 tới 19 với những đoạn chuyển hướng liên tục gợi nhớ đến đường đua Suzuka, Nhật Bản với đoạn đường mang tên Esses mang tính biểu tượng. Cuối cùng, khúc cua từ 20 tới 22 lấy cảm hứng từ đường đua Sepang, Malaysia với khúc cua rẽ trái với bán kính rất nhỏ.
Đường đua F1 tại Việt Nam được đánh giá là khá thử thách với những khúc cua khó và không có chỗ cho những sai lầm. Các tay đua sẽ phải tập trung nếu không muốn bị vượt qua ở những khúc cua. Ngoài ra, việc điều tiết tốc độ giữa các khúc cua cũng ảnh hưởng tới thành tích của các tay đua.
Sẽ có 2 khu vực bao gồm những khúc cua tốc độ chậm và đoạn đường thẳng. Đoạn đường thẳng sẽ là nơi thử thách sự tính toán của các đội đua khi họ sẽ phải cân bằng giữa tốc độ tối đa và phải đề phòng ở khúc cua. Được biết, độ dài của đoạn đường đua thẳng dài nhất là 1,5 km với tốc độ tối đa mong đợi là 335 km/h.
Khu vực pit-stop sẽ không xuất hiện ở 2 khúc cua đầu và cuối, nhằm giảm bớt thời gian để hoàn thành pit stop và sử dụng chiến thuật vào pit-stop một cách đa dạng hơn.
Đại diện của Motorsport F1 và GĐ Liên đoàn ô tô quốc tế FIA, ông Charlie Whiting đã nhiều lần có mặt ở Hà Nội để khảo sát khu vực xây dựng đường đua để đảm bảo các khu vực trong thiết kế cũng như khu vực đường đua phải đạt tiêu chuẩn Grade 1 của FIA trước khi được xây dựng.
Từ giờ tới tháng 4/2020 sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó thiết kế đường đua và các hạng mục xây dựng sẽ cần phải được phê duyệt trước khi tới giai đoạn xây dựng.