Chiều 12/8, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA đạt 26.666 xe các loại, giảm 3% so với tháng 6/2019.
Trong tổng doanh số trên, có 19.394 xe du lịch, giảm 4%; 6.812 xe thương mại, tăng 2%; và 460 xe chuyên dụng, giảm 21% so với tháng 6/2019.
Xét theo xuất xứ xe, doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 15.275 xe, giảm 5% so với tháng trước; doanh số bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.391 xe, giảm 0,3% so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng năm 2019, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA đạt 180.490 xe các loại, tăng 22% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch đạt 132.550 xe, tăng 35%; xe thương mại đạt 44.883 xe, giảm 1,5%; và xe chuyên dụng đạt 3.507 xe, giảm 28% so với cùng kì năm ngoái.
Đáng chú ý, cũng tính theo xuất xứ xe, tính đến hết tháng 7/2019, trong khi doanh số bán hàng của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 107.006 xe, giảm 14%; thì xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 73.934 xe tăng trưởng đến 207% so với cùng kì năm ngoái.
Trước đó, thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019 cả nước nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng tới 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Số lượng này gần tương đương với số nhập khẩu của cả năm 2018.
Giá nhập khẩu trung bình mỗi chiếc ô tô các loại giảm từ mức 26.649 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe, giảm hơn 4.000 USD/xe.
Dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo do nhu cầu trong nước tăng mạnh. Điều này không chỉ tác động nghiêm trọng tới nền sản suất ô tô trong nước mà còn tác động tới cán cân thương mại.