1. Xe nhập khẩu tăng trưởng trở lại sau "đóng băng"
Năm 2019 là một năm tương đối thành công đối với xe nhập khẩu, khi nửa cuối năm 2018 là thời điểm “rốt-đa”, lượng xe ô tô nhập khẩu tăng tốc về Việt Nam. Trong năm nay, lượng ô tô nhập khẩu về tính tới tháng 11/2019 đã tăng gấp đôi so với cùng kì năm ngoái.
Nhiều mẫu xe nhập khẩu ăn khách có doanh số cao kỉ lục, điển hình là Honda CR-V, Mitsubishi Xpander, giúp sự cạnh tranh giữa xe lắp ráp và nhập khẩu trở nên cân bằng hơn. Ngoài ra, lượng xe về nhiều cũng giúp giải bài toán doanh số cũng như nguồn hàng, thúc đẩy tăng trưởng chung của thị trường ô tô Việt Nam.
2. Xe bán tải tăng phí trước bạ
Nghị định 20/2019 được áp dụng từ ngày 10/4 đã thay đổi doanh số dòng xe bán tải. Theo đó, xe bán tải được tính phí trước bạ bằng 60% mức thu của xe thương mại 4 chỗ, tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước đó là 2%.
Do đó, khi mua xe bán tải, khách hàng sẽ phải chi thêm vài chục triệu đồng tuỳ từng dòng xe để đóng phí trước bạ. Điều này khiến cho doanh số xe bán tải về cuối năm có giảm, tuy nhiên, những mẫu xe ăn khách như Ford Ranger vẫn có doanh số ổn định do được thị trường ưa chuộng.
3. Vinfast giao xe tới tay khách hàng
Cuối tháng 7/2019, VinFast đã chính thức giao những chiếc xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 đầu tiên tới tay khách hàng tại nhà máy sản xuất ở Hải Phòng. Trước đó, 650 xe VinFast Fadil đã được giao tới khách hàng tại Hà Nội. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển lớn của ngành ô tô Việt Nam khi có một thương hiệu xe hơi nội địa, cùng với đó VinFast cũng gia nhập VAMA, nhưng tới nay hãng này vẫn chưa công bố doanh số hàng tháng như các hãng xe khác.
4. Nhiều vụ triệu hồi xe
Trong năm 2019, hàng loạt những vụ triệu hồi xe lớn của hãng đã diễn ra và phần lớn là xe nhập khẩu. Cụ thể, Ford triệu hồi hơn 25.000 xe Ranger do lỗi ống dầu phanh trước. Tiếp đó, hãng xe Mỹ tại Việt Nam triệu hồi hơn 23.000 xe Everest và gần 7.500 xe Ranger do lỗi túi khí Takata.
Mẫu xe ăn khách Mitsubishi Xpander triệu hồi hơn 14.000 xe do "bỗng dưng" chết máy khi vận hành. Ngoài ra, Toyota, Mercedes-Benz hay một số hãng khác cũng phải triệu hồi xe vì những lý do khác nhau.
5. Khuyến mãi và giảm giá xe liên tục
Thời điểm đầu năm 2019, khi các mẫu xe đều khan hàng thì tình trạng “bia kèm lạc” xảy ra trên những dòng xe ăn khách như Hyundai Santa Fe 2019 hay Honda CR-V. Nhưng sau khi lượng xe nhập khẩu về ổn định, sức cạnh tranh giữa các thương hiệu lớn hơn, đồng loạt các hãng xe đều có những chính sách khuyến mãi từ tiền mặt tới phụ kiện trong suốt cả năm.
Tuỳ chính sách từng hãng sẽ có các kiểu khuyến mãi khác nhau, các hãng có doanh số cao như Mazda, Kia, Toyota thì tăng khuyến mãi để tăng sức cạnh tranh, trong khi Nissan, Chevrolet lại khuyến mãi để thúc đẩy doanh số nhưng chưa được như kỳ vọng.
6. Triển lãm ô tô VMS 2019: Xe nhập và xe lắp ráp tổ chức chung
Hơn 206.000 lượt khách đã tới Vietnam Motor Show 2019, hơn hẳn năm ngoái (khoảng 185.000 lượt), đi ngược lại với xu thế thoái trào của một số triển lãm ô tô quốc tế lớn. Hàng chục show trình diễn mỗi ngày với gần 100 mẫu xe từ 15 thương hiệu cùng nhiều chương trình trải nghiệm thực tế.
Và quan trọng hơn cả là kết thúc 5 ngày triển lãm là con số khách hàng đặt cọc mua xe. Dù vậy, VMS 2019 phần lớn là nơi để các thương hiệu bán xe nhiều hơn là để trình diễn, cùng với đó là sự góp mặt của VinFast với 3 mẫu xe hơi đầu tiên.
7. Xe lắp ráp vươn tầm quốc tế
THACO đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất sang Philippines để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng Philippines đón nhận. Đây là mẫu xe được Trung tâm R&D THACO Bus thiết kế hoàn toàn mới, mang thương hiệu THACO với tỉ lệ nội địa hóa đạt trên 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Trước đó, Thaco cũng đã xuất khẩu 2 mẫu xe Kia Cerato Deluxe và Sedona sang các nước trong khu vực Đông Nam Á.
8. Xu hướng xe máy điện
Năm 2019 cũng đánh dấu sự bùng nổ của các hãng xe máy điện mới tại thị trường Việt Nam. Với tình trạng ô nhiễm ngày càng lớn tại các đô thị, xu hướng sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường đang phổ biến tại Việt Nam.
Kể từ thời điểm VinFast công bố dòng xe máy điện Klara, thì các thương hiệu khác lần lượt vào Việt Nam như Pega, Yega, MBI lần lượt công bố các mẫu xe mới.
Chưa hết, các hãng xe lớn như Honda, Piaggio hay Yamaha cũng công bố những mẫu xe hybrid được thử nghiệm tại thị trường Việt Nam như Grande hybrid, Liberty chạy điện hay PCX điện đang được thử nghiệm.
9. Honda áp đảo ở thị trường xe máy
Trong năm 2019, Honda vẫn có thị phần mảng xe máy lớn nhất tại thị trường Việt Nam, chiếm tới 80% tính chung tới tháng 11. Ngoài doanh số áp đảo từ các mẫu xe phổ thông như Honda Wave, Vision…, các dòng xe mới ra mắt như Winner X, SH 2020, Air Blade 2020 đều được thị trường đón nhận tích cực.