“Đừng hiên ngang bước tới”
Khi tham gia giao thông hàng ngày, về bản chất chúng ta đang chơi 1 trò chơi mạo hiểm, và cũng như các game khác, cần có các qui tắc để chơi.
Giao thông nước nhà, vì nhiều yếu tố, thực ra cũng như cầm súng xông ra chiến trường. Nếu chúng ta hiên ngang ngẩng cao đầu bước tới, tất nhiên, ngất ngay lập tức. Tránh, né, bò, nấp, ngụy trang, thoát hiểm… là các kỹ năng cần thiết. Dại nhất là người hiên ngang xông lên với hy vọng sắt đá về việc mình đúng thì làm sao có ai bắn trúng mình được.
Trong vòng hơn 1 năm gần đây, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với khoảng 6.500 các tay lái tham gia test drive, và theo thống kê cá nhân, khoảng 3% trong số họ được các hướng dẫn viên đánh giá là những người có nguy cơ gây ra tai nạn trong các buổi test drive. Vấn đề hài hước ở đây là các tay lái không biết lái hoặc lái xe kém lại không nằm trong danh sách này, mà đến từ những người có tư duy khác biệt về cách lái xe, cách nhìn nhận an toàn.
Và bài viết này đưa ra cách nhìn nhận khác về an toàn giao thông, nơi mỗi cá nhân sẽ có trách nhiệm lo cho chính mình, không trông chờ vào các cá thể còn lại.
Thế nào là “vùng nguy hiểm”?
Và để lo được cho chính mình, hãy làm quen với thuật ngữ “Vùng nguy hiểm”. Đây là khu vực tiềm ẩn rủi ro tai nạn cao, cách mà chúng ta chui vào đó, cách chúng ta nhận biết nó, sẽ quyết định việc chúng ta có an toàn hay không.
Vùng nguy hiểm áp dụng cho tất cả các phương tiện giao thông từ đi bộ đến tàu vũ trụ, và trong số đó tất nhiên có cả ô tô, xe máy, xe đạp…
Một ví dụ về vùng nguy hiểm đối với người đi bộ là băng qua đường Nguyễn Văn Linh (Q7, Tp.HCM) lúc 2h sáng nơi xe công-ten-nơ chạy rất nhanh và bỏ qua đèn xanh đèn đỏ. Với người đi xe máy là chui vào điểm mù của xe tải, đỗ sát trước các xe có vị trí lái cao dẫn đến họ không thấy mình. Với máy bay vùng nguy hiểm là trường hợp phi công cứ “cố đấm ăn xôi” hạ cánh trong cơn bão cấp 12…
Với chúng ta, những người giao thông trên mặt đất, có vô số vùng nguy hiểm thực sự hiện hữu liên tục, nơi mà chúng ta không thể kiểm soát mọi vấn đề. Việc chúng ta có thể làm đơn giản là tiếp nhận và đối phó với nó.
Khi đậu xe bên đường, mở cửa ra, hoàn toàn có nguy cơ một ông đi xe máy đâm vào cửa và chui vào salon nói chuyện cùng ta ngay. Ban đêm, đường vắng tanh, băng qua đèn xanh, điều gì đảm bảo không có ông say xỉn phóng qua đèn đỏ? Trên cao tốc vắng tanh, mình đi trên đường chính, điều gì đảm bảo không có ông từ đường nhánh xông ra, hay trâu bò lợn gà nhảy dưới ruộng lên ngay mũi xe mình?...
Đến đây nếu ai đó kiên quyết chúng ta đúng, không sợ “bố con thằng nào”, hoặc chúng ta đủ giỏi để đối phó với mọi tình huống bất ngờ. Đồng ý, người đó có thể để lại vài dòng phản biện.
Các loại vùng nguy hiểm
Vùng nguy hiểm có thể chia làm 2 loại chính: Loại do ta tạo ra và loại do người khác tạo ra.
Loại 1 – do chính mình tạo ra: khi quay đầu, đỗ xe trên cao tốc, thậm chí ngu ngốc lùi xe trên đó, lao nhanh vào đám đông đang chờ đèn đỏ, mở cửa bất cẩn, xông ra đường chính không thèm xem xét ngoài đó có gì….
Và nhiều điều ngu ngốc khác như bỏ mắt vào phone, tự xây dựng tâm lý bất thường như vội vã, bực bội, vượt xe khác với tốc độ quá nhanh, chạy nhanh trong vùng thiếu tầm nhìn, chạy nhanh trong mưa hoặc đèo cua gấp… Nhưng tất cả những điều này thực chất khá dễ tránh, vì chúng ta có thể quản lý chính con người mình. Và nếu như mọi cá thể tham gia giao thông đều tuân theo nguyên lý cá nhân tốt, ắt sẽ có tập thể an toàn. Nhưng tiếc thay thế giới không như vậy.
Loại 2: Vùng nguy hiểm do người khác tạo ra, và ta bắt buộc phải chấp nhận nó.
Ví dụ một ông say đi loằng ngoằng trước mũi, xông ra từ đường nhánh, đang đi cao tốc phanh kít lại chụp hình, đi ngược chiều… Loại này khá nhiều, vậy nguyên tắc nào để tránh rắc rối cho chúng ta?
Nguyên tắc cực đơn giản, đó là hãy tránh xa họ ra. Không ai muốn chơi đùa với 1 con khỉ trong tay cầm quả lựu đạn. Cá nhân tôi mà chạy trước 1 xe khách Thành Bưởi đổ đèo 100km/h còi đinh tai nhức óc thì 1 là cho nó đi trước luôn, hoặc nếu đường ngon mình chạy 180km/h mất hút cho xa nó ra, chạy gần nó “không phải đầu cũng phải tai”. Đừng sợ quá tốc độ bị phạt, mấy triệu nộp phạt rẻ hơn là nó “tọi” vào mông mình, hoặc nó cản tầm nhìn dẫn đến mình tọi vào đâu đó (trong trường hợp dí sát nó).
Và không gì ngu hơn là dưỡn dẹo trước cái xe công-ten-nơ chở full tải đang chạy đều đều trên cao tốc. Đôi lúc chạy nhanh sẽ an toàn hơn là chạy chậm, nếu cứ nghĩ chậm là chắc thì cũng chưa hẳn là đúng.
Có cả ngàn ví dụ về những điều có thể xảy ra khi tham gia giao thông, và nhận thức của chúng ta sẽ phần lớn quyết định sự an toàn cho chính chúng ta. Hãy nhận biết vùng nguy hiểm và bảo vệ chính mình!
Nguồn: Gaz69