Dưới đây là thông tin chi tiết về từng hạng giấy phép lái xe.
Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, có các loại bằng lái xe như sau tại Việt Nam: A, B, C, D và E tương ứng với nhiều đối tượng sử dụng khác nhau.
Mỗi loại bằng lái xe này đều có thứ hạng khác nhau nhằm phân biệt các phương tiện mà người lái điều khiển và đảm bảo họ có khả năng để sử dụng những loại xe này.
Dưới đây là chi tiết các phân hạng giấy phép lái xe (GPLX) hiện hành tại Việt Nam.
1. Đối với xe máy, xe mô tô
Hạng A1: được cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50cc đến 175cc; người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
Hạng A2: được cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175cc trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Hạng A3: được cấp cho người điều khiển xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 cùng các xe tương tự.
Hạng A4: được cấp cho người điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000 kg.
2. Đối với ô tô
Hạng B1 số tự động: cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ của người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3500kg và ô tô dùng cho người khuyết tật.
Hạng B1: cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ của người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500kg và máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3500kg.
Hạng B2: cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500kg và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1.
Hạng C: cấp cho người điều khiển: ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên; máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500kg trở lên và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1, B2.
Hạng D: cấp cho người điều khiển: ô tô chở người từ 10-30 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi của người lái xe và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1, B2, C.
Hạng E: cấp cho người điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho GPLX hạng B1, B2, C và D.
Ngoài ra, còn có giấy phép lái xe hạng F, được cấp cho người đã có GPLX hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe: ô tô tương ứng kéo rơ moóc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750kg, sơ mi rơ moóc, ô tô khách nối toa với quy định cụ thể như sau:
+ Hạng FB2: cấp cho người điều khiển các loại xe ở quy định tại GPLX hạng B2 có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe tải hạng B1, B2.
+ Hạng FC: cấp cho người điều khiển các loại xe ở quy định tại GPLX hạng C có kéo rơ moóc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc và được điều khiển các loại xe tải hạng B1, B2, C, FB2.
+ Hạng FD: cấp cho người điều khiển các loại xe ở quy định tại GPLX hạng D có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe tải hạng B1, B2, C, D, FB2.
+ Hạng FE: cấp cho người điều khiển các loại xe ở quy định tại GPLX hạng E có kéo rơ moóc và được điều khiển các loại xe: ô tô chở khách nối toa, các loại xe quy định tại hạng B1, B2, C, D, E, FB2, FD.
*Quy định về thời hạn của các loại giấy phép lái xe:
+ Hạng A1, A2, A3: không có thời hạn
+ Hạng A4, B1, B2: thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp
+ Hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE: thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.