Các chuyên gia y tế đã đưa ra con số khiến ai đó giật mình. Theo đó, một người có nồng độ cồn ở mức 0,15 mg/lít khí thở khi lái xe nguy cơ gặp tai nạn sẽ tăng 25 lần so với người bình thường.
Cụ thể hơn, người có nồng độ cồn 0,05 mg/lít khí thở khi tham gia giao thông có nguy cơ gặp rủi ro tai nạn tăng gấp đôi so với người bình thường. Khi nồng độ cồn 0,08 mg/lít khí thở, nguy cơ gặp tai nạn tăng gấp 7 lần. Con số này sẽ là 25 lần nếu nồng độ cồn ở mức 0,15 mg/lít khí thở.
Như vậy, người có nồng cồn đo được là 946 (tương đương 0,946 mg/lít khí thở) khi trực tiếp lái xe sẽ rất nguy hiểm, dễ gây tai nạn.
Kỹ năng lái xe bị ảnh hưởng đầu tiên chính là phán đoán. Rượu thường ảnh hưởng đến cơ thể theo một trình tự đặc biệt. Trong đó, phần đầu của cơ thể mà rượu ảnh hưởng đến là não, đặc biệt là sự phán đoán.
Tiếp đến là sự tập trung. Một lượng rượu nhỏ có thể làm giảm khả năng tập trung vào nhiều công việc cùng một lúc - kỹ năng đòi hỏi người lái xe phải có - thay vào đó bạn chỉ tập trung vào một hành động. Nhiều tai nạn giao thông xảy ra do lái xe bị phân tâm vì say rượu hoặc mất tập trung trong thời gian rất ngắn.
Rượu, bia còn ảnh hưởng đến khả năng hiểu hoặc diễn giải các dấu hiệu, tín hiệu và tình huống mà bạn cần phản hồi nhanh để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường. Khi say, bạn dễ bị nhầm lẫn hoặc không thể phản ứng trong trường hợp khẩn cấp.
Không những thế, khi trong người có “men” rượu, các kỹ năng vận động tổng thể mắt/tay/chân đều có thể ảnh hưởng lớn đến thời gian phản ứng và khả năng phản ứng với một tình huống cụ thể.
Rượu có thể làm chậm chức năng cơ mắt và giảm tầm nhìn. Nghiên cứu cho thấy các lái xe say rượu có xu hướng tập trung vào một điểm duy nhất trong thời gian dài, ít nhận thức được các khu vực ngoại vi quan trọng. Người say cũng bị giảm khả năng phán xét chiều sâu và khoảng cách.
Cuối cùng, nguy hiểm hơn, các nghiên cứu cho thấy dưới ảnh hưởng của rượu, lái xe không thể phản ứng lại với kích thích nhanh như khi họ tỉnh táo. Thời gian phản ứng có thể giảm xuống từ 15-25%.