Sau tròn 2 năm dịch dã. Sau triền miên những buổi ngồi nhà xem ra mắt xe online, trải nghiệm xe trực tuyến, viết những bài viết đánh giá xe kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Cuối cùng chúng tôi cũng được lên đường.
Khi nhận được lời mời từ Phú Thái Mobility – nhà nhập khẩu và phân phối thương hiệu Jaguar Land Rover chính hãng tại Việt Nam, chúng tôi thấy háo hức lắm. Cũng đúng thôi, với những phóng viên chuyên đánh giá và trải nghiệm xe như chúng tôi thì chẳng gì bằng ngồi sau vô lăng một chiếc xe và tham dự một cuộc hành trình. Chẳng gì bằng điều khiển chiếc xe lăn bánh qua nhiều cây số, nhiều cung đường. Có như thế mới cảm nhận cho hết được các tính năng, tiện nghi, độ an toàn, khả năng vận hành của sản phẩm. Và cũng phải như thế thì mới có cái để viết, để nói.
“Người bạn đồng hành” của chúng tôi lần này là 2 mẫu xe offroad danh tiếng Land Rover Defender 110 và Land Rover Defender 90. Còn cung đường trải nghiệm là Hà Nội – Tà Xùa – Trạm Tấu. Một hành trình với những chiếc xe mà ai nghe thấy cũng muốn đi, cũng muốn thử một lần trong đời.
Lái Defender quá “nhàn”
Có nhiều cách để “chạm” tới “thiên đường mây” nhưng chúng tôi chọn lộ trình xuất phát từ Hà Nội, qua Sơn Tây, sang đất Phú Thọ rồi đi Thanh Sơn, Thu Cúc, qua Phù Yên, Bắc Yên để đến Tà Xùa. Rồi chiều về thì ghé Trạm Tấu, Nghĩa Lộ để xuôi theo cao tốc trở lại điểm xuất phát. Cách đi này sẽ tăng dần “độ khó cho game”, và càng đi sẽ càng thấy thú vị.
Tôi sẽ không nói nhiều về hình thức của 2 mẫu Defender 110 và 90. Cả hai đều có thiết kế tổng thể hướng tới sự đơn giản. Một sự đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được: Vuông vắn, cứng cáp, mạnh mẽ. Chút khác biệt ở hai mẫu xe có chăng chỉ là Defender 90 có thiết kế 3 cửa, chiều dài cơ sở ngắn hơn so với Defender 110 có thiết kế 5 cửa.
Chúng tôi rời Hà Nội vào đúng giờ cao điểm buổi sáng. Đường đông, điều khiển chiếc xe to và cao lênh khênh tưởng vất lắm. Nhưng không, hệ thống trợ lực lái điện mang đến cảm giác nhẹ nhàng để có thể luồn lách liên tục thoát khỏi những ngã tư đông đúc. Khả năng cách âm và động cơ êm ái đảm bảo hai thế giới hoàn toàn khác biệt trong/ngoài xe. Có quá nhiều công nghệ hỗ trợ cho người lái như hệ thống camera 360 độ hiển thị 3D, màn hình hiển thị camera sau tích hợp trên gương chiếu hậu… nên lái trong phố đông cũng rất nhàn.
Ra đường cao tốc, chuyển qua chế độ lái Sport, âm thanh gầm rú từ bộ ống xả nguyên bản cũng “dư sức” làm người điều khiển đầy phấn khích. Đạp hết chân ga và hộp số chỉ chuyển cấp tại vòng tua hơn 5000 v/ph, chiếc xe lao đi vun vút và đầy chắc chắn đôi khi làm cho tôi quên rằng đây là một chiếc SUV.
Trên những cung đường đèo dốc của huyện miền núi Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La), khi vào cua, vô-lăng của Defender chắc chắn hệt như một mẫu xe thể thao gầm thấp. Điều này có được bởi hệ thống khung gầm chắc chắn và hệ thống treo khí nén sẽ tự động hạ gầm xe khi di chuyển ở tốc độ trên 80 km/h cùng như liên tục điều chỉnh bởi công nghệ giám sát thân xe Adaptive Dynamics 500 lần/giây.
Lái cả hai mẫu Defender 90 và 110 trên các địa hình hỗn hợp phố, cao tốc, đèo núi, đường trường nhìn chung nhàn. Vì ở kiểu địa hình nào thì Defender cũng thích ứng được.
Đấy là chưa kể bên trong 2 chiếc Defender trang bị miên man công nghệ: màn hình cảm ứng trung tâm 10 inch; cụm điều khiển trung tâm và vô lăng của 2 mẫu SUV này có rất ít nút bấm cơ học vì phần lớn các tính năng đều được chỉnh qua hệ thống thông tin giải trí Pivi Pro mới; ghế ngồi thì ở cả phiên bản “cộc” (Defender 90) hay không “cộc” (Defender 110) đều rộng rãi, thoải mái; hàng ghế thứ 2 cơ man nào là hộc để đồ, chỗ cắm sạc điện thoại, hệ thống điều hòa riêng.
Bởi thế mà tất cả những người ngồi trên xe vượt qua hơn 200 cây số lên tới “đỉnh” mà không chút mệ mỏi. Chúng tôi đến Tà Xùa khi mới lưng chiều, còn dư sức đi check-in mỏm cá heo, cây cô đơn, thảo nguyên xanh… đẹp đến quên lối về.
Khi Defender “không đi trên đường”
Chúng tôi đã có một đêm ngủ ngon trên đỉnh Tà Xùa. Sáng hôm sau thức dậy mới biết vì sao những người mê đi hay gọi Tà Xùa là “thiên đường trên mây”. Chả cần đi đâu xa, mở cửa bước ra khỏi phòng đã ngỡ như mình đang ở chốn bồng lai tiên cảnh bởi bao trọn cả tầm mắt của bạn là những mây và mây. Đứng trên căn chòi cao đua ra giữa lưng chừng núi, nhìn cả biển mây cuồn cuộn đổ về vô cùng sống động, huyền ảo, hít vào lồng ngực một luồng hơi lạnh trong lành mang theo hương núi rừng Tây Bắc thì thật là một trải nghiệm khó có thể quên được.
Nhưng một hành trình với xe sẽ kém đi phần thú vị nếu lái một cách thật nhàn để đến ngắm một khung cảnh thật đẹp. Nó phải có sự thay đổi giữa các cung bậc cảm xúc, và đoạn đường từ Tà Xùa đi Trạm Tấu là một kiểu như thế.
Sau bữa sáng, ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng ở trên biển mây, “người dẫn đường” của đoàn chúng tôi – một tay chuyên “lọ mọ” khắp các cung đường Tây Bắc thông báo: “Từ đây về Trạm Tấu có 2 đường đi. Một đường là quốc lộ 37, đường đẹp, đi an toàn nhưng xa hơn và mất khoảng 4 giờ chạy xe. Đường còn lại gần hơn nhưng đi khó hơn và không dự tính được chạy mất mấy tiếng, nếu rủi ro còn phải quay đầu vì nói là đường nhưng thực sự nó chưa phải là đường”.
Không thống nhất từ trước, nhưng các thành viên trong đoàn nhìn nhau “gật cái rụp” với phương án 2. Phải thế chứ, Defender mà không đi đường khó, không được thử thách thì nó phí cái công mang xe lên đây.
Cung đường chúng tôi đi rất ít phương tiện qua lại. Dù đã thi công nhiều năm rồi những vẫn chưa xong do đặc thù đường băng rừng và núi cao, cộng với địa hình hiểm trở lại hay bị sạt lở vào mùa mưa nên có những đoạn đường cứ làm xong thì lại sạt nên nếu không tự tin với chiếc xe của mình, không mấy ai dám liều mình mạo hiểm.
Và đúng là có đi thì mới thấy, có những đoạn bùn đất đến ngang bánh xe, có những đoạn đá hộc lổm chổm, có những đoạn xe tải chở vật liệu “đào” thành sống trâu, xe phải gếch bánh lên mà đi, có những đoạn bê tông, cống rãnh đang làm dở phải nhờ máy xúc gạt đất, đá sỏi mất cả tiếng đồng hồ xe mới qua được.
Đường khó là thế, nhưng Defender là chiếc xe dành cho đi offroad lại càng được dịp “thể hiện”. Cả Defender 90 và 110 đều được trang bị Hệ thống phản ứng theo địa hình Terrain Response 2 với 7 chế độ lái thích ứng với mọi loại địa hình từ bùn đất trơn trượt, đá, cát sỏi… Bảng thông tin offroad giúp chúng tôi nắm được các thông số như độ nghiêng thân xe, độ dốc, đóng/mở visai, góc đánh lái.
Qua những khe núi đá chỉ rộng bằng chiều ngang xe, phía dưới cũng rặt những đá là đá do bị sạt lở, bật chế độ camera 360 giả lập toàn cảnh lên, người cầm lái gần như không còn bị bất cứ điểm mù nào. Quan sát bên ngoài kết hợp quan sát màn hình rồi cứ thế mà điều khiển xe lăn bánh qua.
Ở những khúc mặt đường tạo thành 2 rãnh sâu, hệ thống treo khí nén tiếp tục phát huy sức mạnh khi người lái có thể chủ động nâng/hạ gầm xe để tăng góc tới và thoát của xe.
Defender còn được trang bị hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) chủ động cả trên đường địa hình và đường trường. Hệ thống kiểm soát việc phân bổ mô-men xoắn giữa trục trước và sau một cách thông minh. Trên các bề mặt đường bùn trộn với nước, cát, cỏ, mô-men xoắn có thể được cân bằng giữa bánh trước và bánh sau để tối đa hóa lực kéo.
Có những lúc bánh trước hoặc sau bị mất lực kéo, hệ thống có thể phân phối tới 100% mô-men xoắn động cơ đến trục đối diện để có độ bám tối ưu. Hệ thống AWD kết hợp với hệ thống Kiểm soát lực kéo điện tử (ETC) mang lại trải nghiệm lái vững vàng, chắc tay trong cả những tình huống khó khăn nhất.
Chúng tôi cứ đi như thế 40 cây số. 40 cây số là đủ các thể loại tình huống, chướng ngại nhưng cả Defender 90 và 110 đã vượt qua một cách xuất sắc. Đến Trạm Tấu khi đã nhọ mặt người, ai cũng phải thừa nhận, đường hôm nay khó, mà nếu không đi Defender, chưa chắc chúng ta đã được ngồi đây giờ này.
Ngày hôm sau chúng tôi trở lại Hà Nội, kết thúc chuyến đi đầy thử thách, nhiều thú vị nhưng cũng rất an toàn. Đúng là mang Defender đi cung Hà Nội – Tà Xùa – Trạm Tấu chẳng khác nào “thả hổ về rừng”. Có đi như thế mới cảm nhận cho hết được khả năng, cái “chất” của mẫu xe được mệnh danh là “vua offroad” – Land Rover Defender.