Sản xuất kiểu “Just-in-time”
Just-in-time (Sản xuất tức thời - JIT) là một chiến lược quản lý hàng tồn kho với mục tiêu chính là điều chỉnh luồng nguyên vật liệu phù hợp tiến độ sản xuất và đơn đặt hàng của khách hàng. JIT được thực hiện để đảm bảo sản xuất “đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng nơi, đúng thời điểm” nhằm mục tiêu “không tồn kho, không thời gian chờ đợi, không chi phí phát sinh”.
Những lợi ích khi sử dụng JIT gồm:
Giảm thời gian sản xuất (khoảng thời gian cần thiết để một sản phẩm được chuyển đổi từ nguyên liệu thô thành thành phẩm) do JIT đã tối thiếu hỏa thời gian chờ đợi giữa các công đoạn trong quá trình;
Giảm số lượng và chi phí các giao dịch: khi áp dụng chiến lược JIT, doanh nghiệp gần như phải duy trì mọi thứ đều đúng và vừa đủ, do đó sẽ hạn chế tối đa lượng hàng bị trả lại, đồng thời luôn giữ tồn kho ở mức tối thiểu, từ đó, giảm được các chi phí như chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, chi phí sổ sách...;
Đơn giản hóa việc lập kế hoạch và kiểm soát sản xuất: mục tiêu của JIT là duy trì mọi thứ thật “đúng”, vì thế, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng đơn giản hóa mọi quy trình vận hành, tạo điều kiện để áp dụng chiến lược này nhất có thể;
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường: xuất phát từ đặc điểm là mọi quy trình vận hành đều được đơn giản hóa, nên doanh nghiệp dễ dàng thay đổi để thích ứng tốt hơn với nhu cầu của khách hàng;
Giảm lượng hàng tồn kho, tiết kiệm diện tích kho hàng: với JIT, sản xuất sẽ phải thực hiện đúng thời điểm, đúng số lượng, đúng nơi, vì thế không cần hàng tồn kho, tiết kiệm diện tích và chi phí lưu kho;
Công nhân được tham gia cải tiến sản phẩm: đối với doanh nghiệp sử dụng JIT, họ luôn quan niệm rằng, công nhân là người trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm, nên ý kiến phản hồi từ họ là rất cần thiết để cải thiện chất lượng sản xuất. Do đó, họ luôn khuyến khích công nhân tham gia sâu vào quá trình phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, JIT không phải luôn là một chiến lược đảm bảo cho sự thành công của các doanh nghiệp áp dụng nó. Nếu JIT mang đến thành công vượt bậc cho doanh nghiệp thì nó cũng khiến cho nhà sản xuất những phen lao đao chỉ vì dịch Covid-19.
Lao đao vì thiếu chip
Công ty Toyota Motor đang tìm cách tăng dự trữ tồn kho mặt hàng chip, song song với việc đảm bảo nguồn cung kim loại hiếm của riêng mình.
Mỹ đã cắt giảm xuất khẩu chất bán dẫn của mình cho Huawei Technologies (Trung Quốc), khiến nguồn cung chip bị ảnh hưởng từ yếu tố chính trị quốc tế. Trước thực trạng các nhà sản xuất ô tô đã mở rộng mạng lưới cung cấp linh kiện đến cấp độ toàn cầu, sự thiếu hụt một số linh kiện có nguy cơ cản trở việc sản xuất xe thành phẩm.
Toyota đã bắt đầu yêu cầu một số nhà cung cấp của mình tăng mức tồn kho chất bán dẫn của họ từ ba tháng thông thường lên năm tháng. Toyota từ lâu nổi tiếng với việc quản lý chuỗi cung ứng theo mô hình "just-in-time", trong đó các linh kiện chỉ được chuyển cho Toyota khi cần thiết, nay đã phải sửa đổi hệ thống để đối phó với trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản bằng việc tăng hàng tồn kho trên toàn bộ mạng lưới cung ứng.
Các công ty khác của Nhật Bản như Nissan Motor đang xem xét tăng lượng hàng bán dẫn tồn kho từ một tháng lên hơn ba tháng, trong khi Suzuki Motor đã yêu cầu các nhà sản xuất linh kiện giữ lại hàng tồn kho trong vài tháng. Các công ty cũng đang chuyển sang ký hợp đồng dài hạn với các nhà sản xuất chất bán dẫn kéo dài trong vài năm hoặc cố gắng đặt hàng một sản phẩm từ nhiều công ty.
Số lượng chất bán dẫn được sử dụng trong một chiếc ô tô ngày càng tăng khi nhiều bộ điều khiển được kỹ thuật số hóa. Theo IHS Markit, chi tiêu cho chip của các nhà sản xuất ô tô đã tăng gấp 3 lần so với 20 năm trước. Đến năm 2030, khi ngày càng nhiều xe điện ra đời, dự kiến ngành công nghiệp xe hơi sẽ chi tiêu nhiều hơn 30% cho chip. Trong khi đó, các ngành công nghiệp khác sẽ gây khó khăn hơn cho các nhà sản xuất ô tô trong việc mua chip. Trước sự phát triển của các sản phẩm điện tử và thiết bị y tế được hỗ trợ bởi các con chip, các nhà sản xuất đang đòi hỏi nhiều hơn bao giờ hết về chất bán dẫn.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô đã buộc phải cắt giảm sản lượng hiện tại, một phần vì các nhà sản xuất chip đã đóng cửa nhà máy của họ do đại dịch. Thực tế đang buộc Toyota và các nhà sản xuất ô tô khác phải chuyển trọng tâm từ hiệu quả sang sản lượng ổn định. Nhu cầu về sự ổn định này có thể vượt ra ngoài chất bán dẫn khi các nhà sản xuất ô tô bắt đầu cạnh tranh gay gắt hơn về các vật liệu và bộ phận cần thiết để sản xuất xe điện và các loại xe thân thiện với môi trường khác.
Nhu cầu về kim loại hiếm được sử dụng trong ắc quy ô tô dự kiến cũng sẽ tăng mạnh. Một số khoáng sản sử dụng cho ắc quy tập trung sản xuất ở các nước không ổn định về chính trị, và các mỏ khai thác lao động trẻ em đã bị xã hội giám sát.
Volkswagen và Tesla đang cố gắng đảm bảo nguồn cung đối với lithium và các kim loại khác do cần có thời gian để phát triển mỏ; vì tìm nguồn cung ứng sau khi tình trạng thiếu hụt xuất hiện sẽ gần như không thể.
Từ trước tới nay Toyota vốn nổi tiếng với hệ thống sản xuất tinh gọn "just-in-time", nhưng hiện tại thời gian để Toyota quay vòng hàng tồn kho đã tăng khoảng 40% trong 10 năm qua, lên 36,36 ngày tính đến tháng Ba. Seiji Sugiura, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm nghiên cứu Tokai Tokyo, cho biết Toyota tăng trưởng kém hiệu quả hơn khi bắt đầu phải tích trữ "chip và vật liệu có giá đang tăng".
Không giống như những thảm họa trong quá khứ, tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, cùng lúc thị trường ô tô chuyển sang ô tô điện. Cả hai yếu tố này đều buộc các công ty phải thay đổi các chiến lược đã được minh chứng bởi thời gian.