Vậy phải chăng, bỏ ra hơn nửa tỷ cho một mẫu xe ô tô điện (EV) hoàn toàn mới có gì đó ngược đường hay chính người tiêu dùng đang bị hữu hạn về sự lựa chọn?
VinFast EV bắt đầu "xuống phố"
Ngày 25/12 tới đây, VinFast dự kiến sẽ giao lô xe VF e34 đầu tiên tới tay khách hàng sau hơn 2 tháng kể từ ngày ra mắt. Đây là thành quả “người thật, việc thật” của hãng xe toàn cầu Việt sau màn chào sân cực kỳ ấn tượng tại Mỹ, cũng như là lời khẳng định sứ mệnh của VinFast tại quê nhà trước những hoài nghi sau việc chuyển giao kỹ thuật qua Singapore để tiến hành IPO tại phố Walls danh tiếng.
Tuy nhiên, ngắm nghía một chút từ thị trường, cá nhân tôi có hai "nhận định": Thứ nhất, chiếc xe bán chạy nhất năm 2021 nhiều khả năng sẽ thuộc về một sản phẩm của VinFast - mẫu xe hạng A Fadil, với mức giá bán rẻ nhất từ 300 triệu. Thứ hai, chiếc xe điện "chính hãng" đầu tiên lăn bánh ở Việt Nam cũng sẽ là “người nhà VinFast” - VF e34.
Từ đây có một câu hỏi là với dung lượng vẫn còn rất rộng của phân khúc A thì phải chăng cái giá lăn bánh khoảng 700 triệu của e34 đang là sự bỏ lại phía sau một khoảng thị trường mênh mông? Và ngay cả những ông lớn đang nhăm nhe nhảy vào cuộc chơi tại Việt Nam như VW ID hay Kia EV6 cũng đều là những mẫu xe không hề nhỏ và rẻ. Vì sao lại thế và điều này vô tình mở ra cánh cửa cơ hội nào?
EV cỡ A - điểm xuất phát phù hợp với Việt Nam
Lý do vì sao VinFast chưa làm những mẫu EV cỡ nhỏ thực chất không đến từ năng lực sản xuất mà chủ yếu đến từ những toan tính cho một bước tiến dài của họ. Nhưng theo quan điểm của tôi, EV cỡ nhỏ là xuất phát điểm rất phù hợp với bối cảnh thực tế tại Việt Nam là bởi:
Hệ thống hạ tầng cột sạc phủ nhưng chưa đủ. Vin đang căng sức một mình kéo dây dựng cột nhưng bước đầu vẫn đang tập trung chủ yếu là ở "nhà" họ. Khách hàng không có điều kiện sạc tại nhà thì bắt buộc phải tới Vin để nạp đầy chiếc xe của mình.
Xe to pin lớn kéo theo thời gian chờ sạc dài, nhất là việc sạc ở nhà. Một chiếc xe nhỏ hơn nhưng dễ tương thích với mô hình điện dân sinh thông thường sẽ là một yếu tố phù hợp đáng ghi nhận. Dừng đâu sạc đấy dễ như sạc điện thoại chắc chắn nhận được sự tán dương từ thói quen sinh hoạt của người Việt thay vì nơm nớp nỗi lo nằm đường.
Chi phí rẻ. Sau “đêm dài Covid”, việc chi tiền của khách hàng hẳn có ít nhiều cân nhắc, nhất là với những thứ mới mẻ. Một mẫu EV cỡ Fadil vẫn đảm bảo đủ cho một gia đình, một cá nhân di chuyển đa dạng trong thành phố với dung lượng pin nhỏ dễ sạc đầy chỉ trong thời gian ngắn. Và với mức đầu tư ban đầu không quá tốn kém sẽ là một lựa chọn thú vị cho nhiều hơn những tệp khách hàng mới mẻ.
Cơ hội của "anh bạn lớn"
Khỏi phải bàn cãi, Trung Quốc tại thời điểm này là trung tâm của EV toàn cầu. Sản lượng xuất xưởng khổng lồ; mạng lưới cột sạc lớn nhất thế giới và danh sách dài những nhà sản xuất mang lại cho các sản phẩm tới từ quốc gia này lợi thế về khả năng ứng biến thị trường thần tốc cũng như giá thành cạnh tranh mạnh mẽ. Đã có nhiều nhà nhập khẩu tư nhân manh nha làm thị trường cho các thương hiệu Trung Quốc thông qua việc mang về một số mẫu xe kiểu khen ít chê nhiều, lên báo mấy buổi rồi chìm nghỉm.
Nhưng mà thăm dò thị trường thì phải thế, mang về cái ai cũng khen thì đơn giản quá, bù lại chỉ cần một cái chê cũng có thể làm hỏng luôn những kỳ vọng về thành công sản phẩm. Chắc chắn sau những “vùi hoa dập liễu” ban đầu, các ông kẹ như SAIC, BYD hay Chery sẽ có được những toan tính trước khi tấn công ồ ạt vào phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ nhưng lại là thế mạnh không nhỏ của họ.
Năm 2022 dự đoán sẽ có nhiều xáo trộn đặc biệt trong làng xe Việt Nam khi làn sóng xe điện bắt đầu vỗ bờ mạnh mẽ. Cách đây 20 năm, xe máy Trung Quốc đã làm cuộc cách mạng về giá và phổ cập phương tiện này cho người tiêu dùng Việt. Hai thập kỷ sau cũng rất có thể điều này một lần nữa lặp lại và chúng ta sẽ chờ xem họ làm được những gì!?