Cụ thể, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất rất nhiều quy định mới về giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, Bộ Công an chia GPLX thành 17 hạng khác nhau thay vì 13 hạng như hiện nay, gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.
Đáng chú ý, trong số trên, lần đầu tiên GPLX hạng A0 được quy định cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xylanh dưới 50 cc hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW. Người điều khiển loại phương tiện này phải đủ 16 tuổi trở lên.
Ngoài ra, hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xylanh từ 50 cc đến 125 ccc hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW đến 11 kW. Đối với GPLX hạng A2 hiện nay (đang áp dụng để điều khiển các loại mô tô có dung tích trên 175 cc) sẽ được gộp chung lại trong GPLX hạng A dành cho xe trên 125 cc.
Đặc biệt, dự thảo này cũng quy định chi tiết hơn về việc cấp GPLX cho người khuyết tật. Cụ thể, người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp GPLX hạng A1. Nếu người khuyết tật điều khiển xe ô tô có cơ cấu điều khiển phù hợp với tình trạng khuyết tật thì được cấp GPLX hạng B2.
Bên cạnh việc sắp xếp, phân loại lại các hạng GPLX, Bộ Công an cũng đề xuất nhiều điểm mới về thời hạn của GPLX. Theo đó, GPLX hạng A0, A1, A, B1 không quy định thời hạn. GPLX hạng B2 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi; trường hợp người lái xe trên 60 tuổi thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Đối với GPLX hạng B sẽ có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. Các hạng GPLX còn lại có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.
Ngoài ra còn một điểm mới khác, đó là việc đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được quy định trong luật, thay vì thông tư như hiện nay. Bộ Công an cho rằng hiện nay việc sát hạch cấp bằng lái xe; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi… chỉ quy định ở thông tư của bộ quản lý chuyên ngành nên khi thực hiện đã bộc lộ nhiều kẽ hở trong công tác quản lý.
Một trong những kẽ hở đó là nhiều tài xế chưa đảm bảo yêu cầu về trình độ, kỹ năng, đạo đức lái xe; hoặc khi được cấp rồi thì người lái xe gần như bị bỏ ngỏ, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.