Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, ông Hiroyuki Ueda - Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và các đại diện khác thuộc Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, mặc dù sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, song trong bối cảnh hội nhập và kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19, các ngành kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của chính mình.
Thực tế, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu.
Cùng với đó, quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn là nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế, dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…
Mặt khác, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
“Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài”, ông Phạm Tuấn Anh nhận định, đồng thời cho rằng việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành công nghiệp chế biến chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam Hiroyuki Ueda cho hay, trong năm 2020-2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Toyota Việt Nam vẫn tuyển dụng được 12 nhà cung cấp mới, nâng số nhà cung cấp hiện tại của doanh nghiệp này lên con số 46, trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt.
Toyota Việt Nam đã nội địa hóa thêm 324 linh kiện, nâng tổng số lên 724 linh kiện nội địa cho đến nay.
“Chúng tôi đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp và hơn 200 linh kiện nội địa trong năm 2022”, ông Hiroyuki Ueda nhấn mạnh.
Năm 2021, nhằm tăng cường sự phối hợp tích cực giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống các nhà cung cấp, Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Việc triển khai dự án hợp tác giữa hai bên về tìm kiếm, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp nội địa đã đạt được một số kết quả nhất định.
Bộ Công Thương và Toyota đã rổ chức các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho 45 nhà cung cấp mới, đồng thời tổ chức các chuyến đi tham quan 2 nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp cũng như tiêu chí tuyển dụng của Toyota. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã hiểu thêm về quy trình tuyển dụng và hỗ trợ nhà cung cấp của Toyota.
Thông qua Chương trình, Toyota đã tuyển dụng được 1 nhà cung cấp và đang trong quá trình tìm hiểu 6 nhà cung cấp tiềm năng.
Năm 2022, với mục tiêu mở rộng và thiết thực hoá các hoạt động hợp tác giữa hai bên, Cục Công nghiệp cùng Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tiếp tục tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô.
Việc hợp tác được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam.