Không chỉ là thiết kế
Design (thiết kế) có hai mặt - nghệ thuật và thương mại, và trong thế giới hiện đại nó đi bằng “đôi chân” này. Bởi rằng sản phẩm design mặc dù có thể coi là tác phẩm nghệ thuật, nhưng nhất định phải có tính ứng dụng trong thực tế.
Người Pháp đã mang kiến trúc cổ điển tới Việt Nam. Đó là những công trình đã được nghiên cứu, thẩm định hàng trăm năm nay với những tiêu chuẩn thực tế, khắt khe. Vì vậy, không ngạc nhiên khi những tác phẩm đó có thể tồn tại lâu dài tại một đất nước nhiệt đới khác hẳn với khí hậu châu Âu.
Và kiến trúc chỉ là một phần. Bên cạnh đó là nhiều thứ tiên tiến hơn như công nghệ thi công, vật liệu, giải pháp ứng phó với khí hậu, … giúp nhà của Pháp có hiệu quả về công năng sử dụng. Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao bước vào các nhà thờ, các ngôi biệt thự, công sở được xây dựng bởi các kiến trúc sư Pháp vào mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát chưa? Đó là nhờ kết hợp một loạt các giải pháp hiệu quả về cách bố trí cửa sổ, thông gió, mái lợp, độ dày của tường…
Sau năm 1954, tại Việt Nam, xe đạp Peugeot màu cá vàng của Pháp lúc bấy giờ được đánh giá như một tài sản ngang như chiếc ô tô hiện nay. Đơn giản, xe vừa đẹp, vừa sang, vừa bền nên có giá trị cao. Hay nếu bạn để ý, những chiếc quạt trần mỹ miều của Pháp vẫn còn nhiều trong các biệt thự và công sở Hà Nội đến ngày nay vẫn chạy tốt, và có thể chạy hàng tháng nếu không may quên tắt điện.
Nói đến “design” Pháp, không thể không nhắc tới thời trang. Các nhà thiết kế người Pháp từ lâu đã sáng tạo ra những thương hiệu thời trang nổi tiếng và được khao khát nhất thế giới. Chanel, Dior, Saint Laurent, Hermes, Louis Vuitton,… danh sách này không ngừng được mở rộng hơn nữa.
Người Pháp cho rằng khí chất thanh lịch mà họ có được là nhờ Vua Louis XIV cai trị đất nước từ năm 1643. Vua Louis XIV có gu thẩm mỹ đặc biệt xa hoa, được thể hiện trong Lâu đài Versailles nổi tiếng thế giới cũng như trong phong cách của ông.
Nhận thức được tầm quan trọng của những sản phẩm cao cấp xa xỉ đối với kinh tế Pháp, Louis XIV chủ trương phát triển qui mô lớn trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có ngành dệt may, dưới sự cai quản của hoàng gia, nơi sau này trở thành trung tâm thời trang toàn thế giới. Trong nhiều thế kỷ, những vật liệu và vải dệt chất lượng tốt nhất đã được tìm thấy tại Pháp.
Như vậy, thiết kế của người Pháp tinh tế ở chỗ, vừa mang tính thẩm mỹ, lại vừa bền bỉ và tối ưu trong sử dụng.
Peugeot 3008, 5008 thừa hưởng tinh hoa Pháp
Chúng ta đã vừa phần nào đó thấy được sự tinh tế, nét đặc trưng trong ngôn ngữ thiết kế của người Pháp qua các công trình kiến trúc tôn giáo, nhà ở, qua các vật dụng, và đặc biệt là thời trang. Bây giờ, hãy nói đến việc thiết kế Pháp được thể hiện trên những chiếc xe hơi. Bộ đôi Peugeot 3008, 5008 là một ví dụ.
Một thiết kế đẹp là sự hội tụ của mọi giác quan, là tập hợp của nhìn, chạm và lắng nghe mang đến nhiều cảm xúc. Những điều này thể hiện rõ nhất trong thiết kế ô tô, nơi mà những sản phẩm ngày nay chịu ảnh hưởng bởi công thái học, tính thẩm mỹ, chất lượng tổng thể và tác động trực tiếp tới người sở hữu xe.
Gilles Vidal là một người rất am hiểu việc này. Kể từ khi trở thành Giám đốc thiết kế của Peugeot vào tháng 1/2010, ông đã nâng chất lượng thiết kế của hãng xe Pháp lên một tầm cao mới. Ngôn ngữ thiết kế i-Cockpit thế hệ đầu tiên được giới thiệu trên 3 mẫu xe là Peugeot 308, Peugeot 208 và SUV Peugeot 2008, từ đó trở thành đặc trưng của Peugeot.
Ngôn ngữ thiết kế i-Cockpit thế hệ thứ 2 được giới thiệu vào năm 2016 cùng mẫu Peugeot 3008 và 5008 hoàn toàn mới gây chú ý với không gian cabin đậm chất tương lai hòa với không gian kỹ thuật số. Năm 2017, ngôn ngữ thiết kế này đã nhận giải thưởng thiết kế Red Dot danh giá của ngành công nghiệp xe hơi.
Bộ đôi Peugeot 3008 và 5008 cũng là 2 mẫu xe được THACO phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam và được khách hàng đón nhận với doanh số cao, giúp Peugeot tăng trưởng mạnh trong 2 năm gần đây. Với i-Cockpit, những thiết kế xe của Peugeot gần như không thể bị nhầm lẫn với bất kỳ mẫu xe nào khác bởi sự nổi bật và công nghệ mà thiết kế này mang lại.
Thế hệ thứ 2 mang tới một màn hình hiển thị thông số điện tử 12,3 inch, màn hình giải trí cảm ứng 8 inch, 8 nút bấm ở chính giữa bảng điều khiển trung tâm, vô lăng vát D-cut thể thao và cần số điện tử.
Không gian cabin theo ngôn ngữ Peugeot i-Cockpit được ví như buồng lái máy bay và đậm chất công nghệ với xu hướng tập trung vào người lái nhiều hơn. Chính vì vậy, không lạ khi màn hình giải trí và nút bấm trung tâm có xu hướng xoay về phía người lái.
Chúng ta có thể thấy, ngôn ngữ thiết kế được thể hiện trên những chiếc xe Peugeot như 3008 hay 5008 không chỉ mang đặc trưng chất Pháp – nghĩa là đẹp một cách thanh lịch, tinh tế mà còn rất hữu ích khi sử dụng.
Chẳng hạn như vô lăng vát D-cut với 2 chấu ngang lạ mắt trên xe Peugeot không chỉ ấn tượng về mặt thẩm mỹ mà nó còn đem đến khả năng cầm nắm chắc hơn, giúp người lái có nhiều cảm xúc hơn. Hay như cần số của xe được thiết kế độc đáo, hướng về phía trước như cần điều khiển máy bay và là dạng điện tử thay vì cần gạt cơ như thông thường.
Bên ngoài, người ta có thể dễ dàng nhận ra chiếc xe đậm chất Pháp nhờ ngoại hình khó pha lẫn. Cả tổng thể là một thiết kế hình khối mang đến cái nhìn cứng cáp. Các chi tiết được bài trí hợp lý như phần lưới tản nhiệt hoạ tiết hình kim cương, logo sử tử đặc trưng, đèn full LED, hốc gió cỡ lớn dưới đèn sương mù. Phía sau là hệ thống ống xả mạ Crôm và đèn hậu dạng LED với dạng móng vuốt sư tử đặc trưng của thương hiệu Pháp rất ấn tượng.
Xe Peugeot ảnh hưởng bởi một thứ ngôn ngữ thiết kế, bởi kiến trúc, bởi văn hoá Pháp là thế. Nhẹ nhàng, lãng mạn, lôi cuốn, tinh tế, ít bị lỗi thời, trường tồn theo thời gian… và không thể lẫn vào đâu được.