Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Theo nội dung dự thảo, hình thức sử dụng phần mềm để kết nối khách hàng với lái xe, định giá cước… được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải.
Quy định này sẽ loại bỏ những tranh cãi lâu nay về việc Grab là kinh doanh phần mềm, không phải vận tải, nên không bị điều tiết bởi điều kiện kinh doanh vận tải.
Như vậy, xe Grab không phải gắn hộp đèn (mào) trên nóc xe như một số đề xuất trước đó. Theo Bộ GTVT, việc ứng dụng phần mềm kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện cho hành khách trong việc đi lại như lựa chọn phương tiện, biết thông tin lái xe, biết giá cước,...
Xe vận tải theo hợp đồng, có hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử, nhưng dữ liệu hợp đồng phải chuyển về Sở GTVT địa phương để giám sát và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.
Trước đó, dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của Bộ GTVT có đưa ra quy định với xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử” cố định trên nóc xe.
Dự thảo Nghị định 86 mới cũng sửa đổi, bổ sung khái niệm kinh doanh vận tải để xác định các công ty gọi xe công nghệ có phải là doanh nghiệp vận tải hay không.
"Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải, để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ, nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải", trích dự thảo.
Theo đó, các hãng xe công nghệ sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, điều hành các phương tiện kinh doanh để vận chuyển hành khách, quyết định giá cước thì phải là đơn vị kinh doanh vận tải.