Thị trường ô tô tại nước ta đang có sự cạnh tranh lớn, các hãng xe không chỉ cần đa dạng hóa đội hình sản phẩm mà còn cần tung ra nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, marketing tốt để thu hút người tiêu dùng tăng doanh số bán ra.
Dưới đây là những 'chiêu trò' bán xe đặc biệt của hãng và đại lý đã từng hoặc đang xuất hiện tại Việt Nam.
Chạy theo chính sách ưu đãi nhưng giá không giảm
Cuối năm 2017, các hãng xe thi nhau tung khuyến mại, giảm giá sâu để đẩy hết hàng tồn kho, chuẩn bị đón lô xe nhập hưởng thuế 0% từ ASEAN về nước vào năm 2018. Người tiêu dùng trong nước 'đau đầu' suy nghĩ nên mua luôn xe với mức ưu đãi hấp dẫn hay chờ đợi xe nhập giảm giá bán.
Thời điểm đó, rất nhiều mẫu xe 'hot' chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc để đón đầu mức thuế mới như Honda CR-V hay Toyota Fortuner. Tuy nhiên, ngay khi thuế nhập khẩu về 0% thì Nghị định 116 cũng chính thức được áp dụng, siết chặt nhập khẩu với nhiều quy định ngặt nghèo.
Đây là động thái bảo hộ ngành công nghiệp nội địa của Chính phủ. Chính điều này đã khiến suốt nửa đầu năm 2018 nguồn cung xe nhập cực kỳ khan hiếm, số lượng xe nhập về nước 'nhỏ giọt'.
Đến nửa cuối năm 2018, các hãng về cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục và những lô xe nhập bắt đầu về nước thuận lợi hơn. Tuy nhiên, dù hưởng thuế 0% nhưng các mẫu xe nhập vẫn không rẻ hơn như kỳ vọng của người tiêu dùng, thậm chí nhiều mẫu xe ra mắt thế hệ mới còn tăng giá.
Đến năm 2020, Chính phủ bắt đầu áp dụng nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp nội địa như giảm 50% phí trước bạ đến hết năm 2020 nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khủng hoảng của dịch bệnh. Cùng với đó là sự trở lại lắp ráp của nhiều mẫu xe. Điển hình chính là 2 cái tên đã đề cập phía trên và tất nhiên giá thành cũng không giảm.
Khuyến mại trước khi công bố giá xe niêm yết
Bước sang năm 2019, các hãng bắt đầu đưa về nước nhiều mẫu xe mới hoặc các phiên bản nâng cấp. Một số hãng cho phép khách hàng đặt cọc mua xe trước khi xe chính thức ra mắt. Khi đặt trước, khách hàng sẽ nhận được một số ưu đãi dù chưa biết giá niêm yết hay bất cứ thông số chi tiết nào của mẫu xe này tại nước ta. Những ưu đãi này sẽ chấm dứt vào thời điểm xe chính thức được giới thiệu.
Điều này hoàn toàn đi ngược với trình tự ra mắt xe thông thường trước đó là giới thiệu - đặt mua - giao xe. Một số cái tên nổi bật đi ngược số đông là Honda Brio, Mazda CX-8 và Subaru Forester. Đây có thể xem như là một “đòn cân não” giữa khách hàng và hãng.
Đối với người mua, ưu điểm là sở hữu một chiếc xe mới với ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, nhược điểm là khi xe chưa ra mắt thì vẫn chưa rõ giá bán hay các trang bị tại thị trường nước ta như thế nào. Không thiếu trường hợp phiên bản dành cho thị trường Việt bị cắt giảm mạnh so với bản quốc tế. Mặc dù, khách hàng không ưng ý có thể rút tiền đặt cọc nhưng nhiều trường hợp phải mất thêm phí.
Về phía hãng, chiêu marketing mới có thể thu được nhiều đơn đặt hàng hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu mẫu xe không đáp ứng được kỳ vọng của người dùng thì sẽ khó có thể tồn tại lâu trên thị trường hoặc sẽ bị phản tác dụng, tạo nên 'tiếng tăm' không tốt trong cộng đồng.
Tung nhiều chương trình ưu đãi với các điều kiện áp dụng khác nhau
Để kích thích tiêu dùng, các hãng xe bắt đầu tung nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn và vô cùng đa dạng như giảm giá mỗi phiên bản một mức khác nhau, tặng gói trang bị, tặng bảo hiểm, gia tăng thời gian bảo hành, tặng phiếu nhiên liệu, tặng voucher,...
Đặc biệt, trong thời gian này, hàng loạt mẫu xe được giảm giá từ chính hãng đến đại lý, mức giảm lên đến cả trăm triệu đồng. Đặc biệt, nổi bật trong số này là dòng xe VinFast LUX nhận được ưu đãi cộng dồn lên tới hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, không phải ai mua xe VinFast cũng nhận được mức ưu đãi như thế. Để nhận được mức ưu đãi 'khủng' chưa từng có này, khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện khác nhau.
Giảm giá sâu một hoặc 1 số phiên bản sản xuất trong năm cũ
Hiện nay, thỉnh thoảng lại xuất hiện thông tin một mẫu xe nào đó được giảm tới hàng trăm triệu đồng tại đại lý. Thực tế là không nhiều người có thể mua được một chiếc ô tô mới với mức giá hời như thế.
Phần lớn những lần giảm giá sâu gây sốc đều là những phiên bản sản xuất năm 2019 được đại lý đẩy đi nhằm giải phóng kho hàng. Và đặc biệt, số lượng những mẫu xe này đều rất ít và chỉ có tại một số đại lý.
Lý do một số đại lý công khai giảm giá mạnh 1 phiên bản sản xuất vào năm trước, ngoài xả hàng tồn kho thì còn muốn gây tiếng vang và sự chú ý của người tiêu dùng giữa 'mê trận' khuyến mãi như hiện nay.
Sử dụng 'chiêu trò' ép khách
Ở những năm trước đây tình trạng đại lý giở chiêu trò ép khách phổ biến hơn bây giờ.
'Mua bia kèm lạc': Đại lý ép khách mua xe gói phụ kiện mới được nhận xe sớm, đặc biệt là đối với nhiều mẫu xe 'hot'. Mức giá của gói phụ kiện cũng phụ thuộc vào độ 'hot' của mẫu xe đó, dao động từ 30-100 triệu đồng. Ví dụ như thời điểm Honda CR-V mới ra mắt thế hệ mới cấu hình 7 chỗ vào cuối năm 2017 hay Hyundai SantaFe ra mắt thế hệ vào đầu năm 2019.
Mua thêm gói dịch vụ đi kèm: Khách hàng khi mua xe sẽ được giới thiệu thêm các gói dịch vụ. Tuy nhiên, các gói này ràng buộc khách hàng phải sử dụng dịch vụ tại đúng đại lý đã đăng kí dù cùng một hệ thống.
Yêu cầu để lại phụ kiện của xe: Thời điểm khan hiếm phụ kiện, khách hàng sẽ không bị ép mua thêm phụ kiện mà được yêu cầu bỏ lại phụ kiện của xe. Những phụ kiện này sau đó sẽ được đại lý bán lại cho khách hàng đến sau với mức giá riêng.
Cắt khuyến mãi tiền mặt, thay bằng phụ kiện giá rẻ: Một số đại lý không giảm trực tiếp tiền mặt mà thay bằng tặng các phụ kiện giá rẻ hơn.