Điều chưa có tiền lệ trong ngành xe Nhật Bản
Cựu chuyên gia của Toyota là Masato Katsumata đã có hơn 30 năm làm việc tại Toyota, chủ yếu là trong bộ phận kỹ thuật. Ông đã giám sát việc “tân trang” toàn bộ chiếc sedan Camry với tư cách là kỹ sư trưởng của dòng xe này và đã tham gia vào nhiều dự án ở nước ngoài.
Tại một sự kiện dành cho nhà đầu tư của Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC) vào tháng 7, Katsumata xuất hiện với tự cách là kỹ sư trưởng quản lý kỹ thuật tại trung tâm R&D của tập đoàn.
Ông đã có những phát biểu bằng tiếng Trung về bản thân và tham vọng của mình tại công ty mới: “Tại GAC, tôi muốn tạo ra những chiếc xe hơi khiến cả thế giới phải kinh ngạc".
Katsumata là một trong nhóm những kỹ sư Nhật Bản - chủ yếu là những “cựu binh” dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng không thiếu các chuyên gia trẻ tuổi - đang tìm kiếm những sự nghiệp tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới – Trung Quốc, đặc biệt khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cắt giảm việc làm.
Hiện tại, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang lùng sục các tài năng trong ngành của Nhật Bản. Công ty Xpeng, được thành lập vào năm 2015, đã bổ nhiệm Yoshitsugu Miyashita làm giám đốc cấp cao về chất lượng sản xuất vào năm 2019. Ông Miyashita đã làm việc trong bộ phận kiểm soát chất lượng tại Toyota trong gần bốn thập kỷ, giữ chức giám đốc quản lý và đảm bảo chất lượng tại liên doanh GAC Toyota Motor.
Tại Thâm Quyến, Baoneng Motor, một công ty được thành lập vào năm 2017, đã thuê nhiều kỹ sư Nhật Bản làm giám đốc điều hành vào năm 2020, bao gồm Toshiaki Otani, trước đây từng làm việc tại Nissan Motor.
Việc các kỹ sư Nhật Bản làm việc cho những hãng xe nổi tiếng như Toyota, Honda, Nissan chuyển sang cho các công ty Trung Quốc được cho là chưa có tiền lệ và là một động thái khiến nhiều người trong ngành bất ngờ.
Lý do các kỹ sư ô tô Nhật sang Trung Quốc
Các kỹ sư Nhật Bản được thu hút bởi mức thù lao cao hơn cũng như mức độ tự do và bảo mật dành cho họ ở Trung Quốc. Không có gì lạ khi các công ty Trung Quốc đưa ra mức lương 6 con số cho các tài năng được săn lùng, trong một số trường hợp, lên tới khoảng 300.000 USD cho các chuyên gia cấp quản lý. Một số nhân sự mới sẽ được chỉ định thông dịch viên hoặc tài xế của riêng ngay sau khi gia nhập.
Các kỹ sư chỉ quản lý một số ít cấp dưới ở Nhật Bản có thể được trao quyền điều hành cho một nhóm hàng chục người ở Trung Quốc. Cơ hội được làm việc với đội ngũ nhân viên "trẻ, nhanh nhẹn và tràn đầy năng lượng" tại GAC là "yếu tố quyết định" trong quyết định gia nhập GAC của Katsumata.
Nhật Bản hiện được coi là nguôn cung chuyên môn quý giá đối với nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu chuyên môn. Chính phủ nước này đã định vị xe điện là một ngành công nghiệp cốt lõi, cung cấp các khoản trợ cấp bán hàng lớn để khuyến khích các nhà sản xuất phát triển. Nhiều hãng xe mới nổi đã được thúc đẩy mở rộng nhanh chóng nhưng thiếu bí quyết sản xuất cần thiết và tìm cách bổ sung năng lực kỹ thuật của họ để đáp ứng nhu cầu của thị trường dự kiến sẽ phát triển.
Trong khi các kỹ sư Nhật Bản chuyển đến Trung Quốc có xu hướng là những người kỳ cựu sắp nghỉ hưu với hàng chục năm kinh nghiệm, các công ty cũng đang có xu hướng theo đuổi các mục tiêu trẻ hơn. Chủ tịch GAC cho biết sẽ "tiếp tục tích cực thuê các tài năng nước ngoài xuất sắc trong vai trò hiện tại của họ".
Đại diện của một công ty nhân lực lớn của Nhật Bản đang làm việc tại Trung Quốc mới đây đã nhận được yêu cầu từ một nhà sản xuất ô tô Trung Quốc về nhu cầu săn tuyển một kỹ sư từ Honda. Hơn 2.000 nhân viên của công ty Nhật Bản đã đăng ký gói nghỉ hưu sớm kể từ khi Honda thông qua chương trình này vào tháng Tư. Phía Nissan cũng đã cắt giảm hơn 10.000 việc làm trên toàn thế giới kể từ năm 2019.