Mũ bảo hiểm có tác dụng bảo vệ, làm hạn chế bớt mức độ chấn thương cho đầu khi xảy ra tai nạn. Vì vậy, điều cốt lõi nhất để bảo vệ tính mạng cho mình, thì ngay cả khi đã đội mũ vẫn cần phải thực hiện đúng các quy tắc điều khiển phương tiện tham gia giao thông như đi đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu…
Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy cần lưu ý gì?
- Không để mũ va đập mạnh với vật cứng hoặc làm rơi mũ xuống nền cứng.
- Phải sử dụng loại mũ có cỡ phù hợp với cỡ đầu của mình, vì như vậy mũ mới có thể bảo vệ được cho người đội.
- Khi đội mũ, quai đeo phải được cài khoá cẩn thận và điều chỉnh độ căng chặt phù hợp với người đội để tránh cho mũ không bị văng ra khỏi đầu khi gặp tai nạn.
Chọn mũ bảo hiểm thế nào?
Mũ bảo hiểm dùng cho người đi trên mô tô, xe máy phải đảm bảo được các yêu cầu quy định trong Tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 hoặc TCVN 6979:2001 đối với mũ sử dụng cho trẻ em, cụ thể như sau:
- Vật liệu làm mũ phải chịu được thời tiết, nhiệt độ, không gây độc hại, dị ứng cho da tóc và ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
- Khối lượng của mũ không nặng quá 1,5 kg đối với mũ che cả hàm và không quá 1,0 kg đối với mũ che nửa đầu; Mũ cho trẻ em: không quá 1,2 kg đối với mũ che cả hàm và 0,8 kg đối với mũ che nửa đầu.
- Mũ và các vật gắn trên mũ không được có các gờ sắc, nhọn; Không sử dụng các bu lông, ốc, vít bằng kim loại.
- Vỏ cứng của mũ phải che được các bộ phận cần bảo vệ của đầu và phải đảm bảo tầm nhìn cho người đội.
- Khi thử đâm xuyên, mũi chuỳ không được chạm tới phần đầu.
- Quai đeo phải có khoá và đảm bảo đủ bền, độ giãn phải nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo độ ổn định theo tiêu chuẩn.
- Kính chắn gió (nếu có) không làm sai lệch hình ảnh, đảm bảo độ truyền sáng; khi vỡ không tạo thành các mảnh có góc quá nhọn dễ gây thương tích cho người đội.
Người tiêu dùng chỉ nên mua loại mũ đã được kiểm tra, thử nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; Chỉ có mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng mới có tác dụng bảo vệ cho người đi xe máy khi gặp tai nạn.