Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện nay. Bằng những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, có nhiều công năng phù hợp điều kiện đường sá, túi tiền, nhu cầu và sức khỏe của người dân..., số lượng phương tiện xe máy được các gia đình mua sắm tăng vọt trong những năm gần đây và dự báo trong những năm tới, xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, xe máy lại là phương tiện đứng đầu bảng về nguy cơ TNGT. Theo thống kê, hiện TNGT đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn đường bộ.
Điều đáng nói là TNGT ngoài đô thị đang tăng lên theo từng năm, đặc biệt ở khu vực nông thôn và các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu do người điều khiển xe gắn máy.
Người dân ở khu vực nông thôn ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn kém, người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) vẫn còn khá nhiều. Trong khi đó, lực lượng CSGT số lượng ít, chỉ tập trung xử phạt mà chưa chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã phỏng vấn gần 6.000 người dân ở Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng sở hữu và sử dụng xe máy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người dân Hà Nội có đặc tính sở hữu, sử dụng xe máy rất bền vững, ít chịu thay đổi thói quen đi lại mặc dù lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường.
WB cũng cho biết, mặc dù 95% số người đi xe máy đội mũ bảo hiểm (MBH) được hỏi đánh giá sự an toàn là vấn đề quan trọng, nhưng chỉ có 26% số trẻ em dưới 16 tuổi đội MBH. Đây là điều rất nghiêm trọng và cần có giải pháp mạnh mẽ để khuyến khích đội MBH.