Hiện tại, người tiêu dùng khi mua xe du lịch dưới 9 chỗ phải nộp phí trước bạ từ 10-12% tùy địa phương đăng kí để xe có thể lăn bánh; xe thương mại và xe chuyên dụng có mức phí trước bạ là 2% theo Quyết định số 452/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đáng chú ý trong đó là đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước đã được thông qua. Theo đó, Nghị quyết của Chính phủ sẽ bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Ngoài ra, Nghị quyết 84/NQ-CP cũng gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; thời gian gia hạn không muộn hơn thời điểm ngày 31/12/2020.
Bên cạnh các chính sách kích cầu thị trường ô tô trong nước, Nghị quyết 84 của Chính phủ còn đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn khác khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân.
Sau khi giảm 50% lệ phí trước bạ, người tiêu dùng sẽ giảm hàng chục đến hàng trăm triệu đồng tiền thuế, phí để xe lăn bánh. Phần lớn các mẫu xe bình dân bán chạy hàng đầu thị trường hiện nay đều được lắp ráp trong nước như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Mazda CX-5,… Ngoài ra, trong phân khúc hạng sang, các mẫu xe chủ lực của Mercedes cũng đang được thương hiệu này lắp ráp trong nước. Các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc không được áp dụng chính sách ưu đãi này.
Ví dụ, trước đây, khi xuống tiền mua chiếc Mazda 3 Sport 2.0L Premium giá 939 triệu đồng, khách hàng phải trả 12% phí trước bạ khi đăng kí tại khu vực Hà Nội là 112,68 triệu đồng thì nay giảm 1 nửa xuống còn khoảng 56,34 triệu đồng.
Doanh số toàn thị trường ô tô trong tháng 4 đạt 10.816 xe ô tô, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và 41% so với tháng trước. Cộng dồn 4 tháng đầu năm con số là 60.815 xe, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đối với dòng xe du lịch, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 7.439 xe, cũng sụt giảm 46% so với cùng kỳ năm trước và 41% so với tháng trước. Nhìn chung, toàn thị trường sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thậm chí, nhiều mẫu xe nhập có doanh số khá thê thảm như Suzuki Celerio đã ngừng phân phối tại nước ta hay Honda Jazz biến mất khỏi website chính hãng được đồn đoán là âm thầm bị khai tử. Ở chiều ngược lại, theo một số nguồn tin không chính thống, những mẫu xe ăn khách như Mitsubishi Xpander hay Honda CR-V sẽ chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp trong nước và hưởng chính sách giảm 50% phí trước bạ. Nếu điều này là sự thật thì đây đúng là tin vui cho người tiêu dùng trong nước khi mua được mẫu xe yêu thích với giá hời.