Trong quá trình tham gia giao thông, nhiều người thi thoảng bị cảnh sát giao thông (CSGT) bất ngờ dừng xe theo kiểu "anh hùng núp". Điều này gây giật mình và nguy hiểm cho cả người tham gia giao thông và cả CSGT khi đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra cho cả 2 bên.
Vậy nhiều người thắc mắc CSGT có được "anh hùng núp" hay không và vị trí đứng đúng của CSGT là như thế nào. Hãy cùng Cartimes tìm hiểu câu trả lời.
Quy định vị trí đứng của CSGT khi làm nhiệm vụ
Cụ thể, Thông tư số 28/2011/TT-BCA ngày 10/5/2011 của Bộ Công an quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông của cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ và Thông tư số 66/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định:
Khi kiểm soát tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường giao thông, cán bộ CSGT được phân công thực hiện nhiệm vụ dừng xe đứng ở vị trí thích hợp thuộc phần đường hướng xe cần kiểm soát đi tới, và các cán bộ CSGT còn lại đứng ở lề đường hoặc trên vỉa hè cùng phía và về phía trước của cán bộ thực hiện nhiệm vụ dừng xe, với khoảng cách 3-5m.
Khi làm nhiệm vụ tại nút giao thông, cán bộ CSGT đứng ở vị trí trung tâm nút; nếu nút giao thông có bục thì phải đứng trên bục để chỉ huy, điều khiển giao thông. Các cán bộ CSGT khác đứng ở mép đường ngang vạch dừng hoặc giữa tim đường ngang vạch dừng để điều khiển giao thông và phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, khi dừng các phương tiện giao thông, CSGT còn phải đảm bảo các yêu cầu như an toàn, đúng quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động giao thông và khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, người điều khiển phương tiện nên bình tĩnh, giảm tốc độ từ từ và quan sát phía trước, hai bên và phía sau xe, bật đèn dừng khẩn cấp (với xe ô tô), cho xe dừng vào khu vực CSGT chỉ dẫn, dừng xe vào vị trí an toàn.